Thời gian bảo hộ nhãn hiệu là bao lâu?
Thời gian bảo hộ nhãn hiệu là gì? Được xác định là bao nhiêu lâu? Nếu hết thời hạn bảo hộ nhãn hiệu thì có được gia hạn hay không? Thủ tục gia hạn bảo hộ nhãn hiệu thế nào? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề liên quan đến thời hạn hiệu lực nhãn hiệu.
Giới thiệu về thời gian bảo hộ nhãn hiệu
Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Bảo hộ nhãn hiệu là việc thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để nhãn hiệu được đăng ký bảo vệ tại cơ quan có thẩm quyền.
Tại Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Nó có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tháng, tuần, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra.
Theo đó, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu được hiểu là khoảng thời gian mà nhãn hiệu được pháp luật bảo vệ và không ai được quyền xâm phạm tới các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Hết thời hạn bảo hộ nhãn hiệu mà không được gia hạn thì coi như chấm dứt hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu.
Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ
Theo khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Như vậy thời hạn bảo hộ nhãn hiệu được xác định:
- Thời hạn bảo hộ ban đầu của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm, kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
- Thời hạn bảo hộ có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm
Điều kiện gia hạn bảo hộ nhãn hiệu
Theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP có thể rút ra điều kiện gia hạn bảo hộ nhãn hiệu đó là:
- Có yêu cầu gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu tới cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
- Thời hạn yêu cầu: Trong vòng 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Hoặc yêu cầu gia hạn có thể nộp sau thời hạn nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí cho mỗi tháng bị muộn theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Nộp đủ lệ phí gia hạn theo quy định.
Như vậy, điều kiện để gia hạn bảo hộ nhãn hiệu là:
- Nhãn hiệu vẫn đang được sử dụng.
- Nhãn hiệu không vi phạm pháp luật.
Thủ tục gia hạn bảo hộ nhãn hiệu mới nhất 2024
Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Nộp đơn xin gia hạn
Việc nộp đơn xin gia hạn nhãn hiệu có thể thực hiện theo một trong hai hình thức là:
- Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Hồ sơ xin gia hạn
Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm các tài liệu sau đây:
- Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ (theo mẫu số 07 quy định tại Phục lục II Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký gia hạn cho cá nhân hoặc cho tổ chức (nếu yêu cầu được nộp hồ sơ thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Xem xét và xử lý đơn tại cơ quan có thẩm quyền
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem xét hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau đây:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;
- Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
- Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào văn bằng bảo hộ, chủ văn bằng bảo hộ phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định
Lệ phí gia hạn
Căn cứ theo Biểu mức thu phí, lệ sở hữu công nghiệp tại Thông tư 263/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC thì lệ phí gia hạn nhãn hiệu được quy định như sau:
- Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ: 100.000 đồng.
- Phí thẩm định yêu cầu gia hạn: 160.000 đồng.
- Phí sử dụng văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ: 700.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Phí đăng bạ Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
Thời gian xử lý hồ sơ
01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ gia hạn nhãn hiệu.
Mất hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Các trường hợp giấy chứng nhận bị mất hiệu lực
Chấm dứt hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu trong các trường hợp sau:
- Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
- Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
- Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
- Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
- Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
- Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
Hậu quả khi không gia hạn bảo hộ nhãn hiệu
Nếu như không gia hạn bảo hộ nhãn hiệu thì chủ sở hữu sẽ gặp phải những hậu quả:
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực, nhãn hiệu không được bảo hộ.
- Không được tiếp tục thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Sản phẩm của mình có thể bị các đối thủ làm giả hoặc sao chụp, sao chép.
- Không có cơ sở pháp lý để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã đăng ký.
- Mất thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng nhãn hiện đã xây dựng trước đó trên thị trường.
Kết luận
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về thời gian bảo hộ nhãn hiệu để bản đọc tham khảo. Bài viết giúp bạn xác định thời hạn bảo hộ nhãn hiệu và các thủ tục cần thiết liên quan đến việc gia hạn bảo hộ nhãn hiệu. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!