Sự khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý
Sự khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là một trong các vấn đề nhận được nhiều thắc mắc nhất. Vậy làm sao để phân biệt nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý? Nên bảo hộ nhãn hiệu hay bảo hộ chỉ dẫn địa lý? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ giải đáp chi tiết vấn đề này.
Giới thiệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa chỉ
Khái niệm nhãn hiệu
Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì nhãn hiệu là một loại quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh. Tại khoản 16 Điều này đưa ra khái niệm nhãn hiệu như sau: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu gồm:
- Nhãn hiệu tập thể: Là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận: Là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu nổi tiếng: Là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ: Nước uống Lavie thì Lavie là nhãn hiệu.
Khái niệm chỉ dẫn địa lý
Cũng như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng được xác định là loại quyền sở hữu công nghiệp. Căn cứ theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
Ví dụ: Nước mắm Phú Quốc. Ở đây “Phú Quốc” là tên địa phương sản xuất ra nước mắm đặc trưng chỉ ở nơi đó mới làm ra được mùi vị, màu sắc như vậy.
So sánh chi tiết nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý
Điểm giống nhau
Giữa bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý có những điểm giống nhau nên mọi người hay nhầm lẫn, cụ thể:
- Cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là sản phẩm trí tuệ. Là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam.
- Phạm vi bảo hộ: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Đều là các dấu hiệu từ ngữ hoặc hình ảnh biểu tượng: Nhãn hiệu bao gồm các chữ cái, hình ảnh, hình vẽ, hình ba chiều, âm thanh hoặc kết hợp của các yếu tố đó. Còn chỉ dẫn địa lý bao gồm các chữ cái chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.
- Đều phải thực hiện theo thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật với mỗi loại hình bảo hộ tương ứng.
Điểm khác biệt
Sự khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được thể hiện qua các tiêu chí trong bảng phân tích dưới đây:
Tiêu chí | Nhãn hiệu | Chỉ dẫn địa lý |
Bản chất | Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác nhau. | Là dấu hiệu dùng để chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm. |
Đối tượng bảo hộ | Hàng hoá, dịch vụ. | Sản phẩm có nguồn gốc địa lý tức là chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hoá. |
Dấu hiệu nhận biết | Có thể là từ ngữ, hình ảnh, âm thanh hoặc kết hợp. | Thường là tên địa danh. |
Điều kiện bảo hộ | Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu gồm:
|
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm:
|
Thủ tục | Đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam | Đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, kèm theo hồ sơ chứng minh đặc tính sản phẩm liên quan đến yếu tố địa lý. |
Thời hạn bảo hộ | Có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm (khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022). |
Không giới hạn thời gian (vô thời hạn theo khoản 7 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022).
|
Quyền của chủ sở hữu | Quyền sử dụng độc quyền, ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự. | Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý để chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm. |
Thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ | Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
– Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp; – Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp; – Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực; – Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; – Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. |
Khi các điều kiện tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính cả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi hay không còn nữa. |
Về chủ thể có quyền đăng ký | Cá nhân, tổ chức được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp (Đối với các loại nhãn hiệu riêng lại có quy định riêng về chủ thể được quyền đăng ký). | Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước, Nhà nước có thể cho phép:
– Bản thân cá nhân hoặc tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; – Tổ chức, tập thể đại diện cho tổ chức, cá nhân sản xuất; – Cơ quan hành chính địa phương thực hiện đăng ký. |
Về chủ sở hữu | Tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. | Nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý. |
Chủ thể có quyền sử dụng | Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng đối với nhãn hiệu thông thường;
– Chủ sở hữu, thành viên của tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể; – Cá nhân, tổ chức được đáp ứng tiêu chuẩn được chủ sở hữu cho phép đối với nhãn hiệu chứng nhận. |
Các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. |
Chuyển giao quyền | Được phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng phải thỏa mãn điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu;
– Được phép chuyển giao quyền sử dụng cho người khác với điều kiện người được chuyển giao phải ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. |
Không được phép chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền sử dụng. |
Xử lý vi phạm | Khiếu nại, khởi kiện ra Toà án. | Các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự. |
Ví dụ minh họa về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý
Ví dụ về nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới
Ở Việt Nam:
- Vinamilk
- Viettel
- VinGroup
- Vietnam Airlines
- Bitis
Trên thế giới:
- Apple
- Coca-Cola
- Nike
- Samsung
- Google.
Ví dụ về chỉ dẫn địa lý nổi tiếng ở Việt Nam
- Phở Hà Nội
- Nước mắm Phú Quốc
- Cà phê Buôn Ma Thuột
- Vải thiều Lục Ngạn
- Hạt điều Bình Phước
- Gạo Tám thơm Hải Hậu
- Cam Cao Phong
- Chè Thái Nguyên
- Rượu Bàu Đá
Ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình bảo hộ
Nhãn hiệu
Bảo hộ nhãn hiệu có ưu điểm là tính bảo hộ mạnh mẽ và rộng khắp. Tức là chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn. Ngoài ra, nó có thể được bảo hộ quốc tế nếu có đăng ký ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình bảo hộ này là tốn chi phí cao khi đăng ký và duy trì. Thủ tục thực hiện lâu và phức tạp. Nhãn hiệu có thể bị từ chối nếu trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó, dẫn đến việc phải thay đổi và nộp đơn lại.
Chỉ dẫn địa lý
Khác với nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ưu điểm được bảo hộ vô thời hạn. Đồng thời, chỉ dẫn địa lý giúp xác nhận chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhược điểm là phạm vi bảo hộ hẹp, chỉ bảo hộ sản phẩm trong khu vực địa lý cụ thể, không thể áp dụng rộng rãi cho các sản phẩm được sản xuất ngoài khu vực đó. Việc mở rộng phạm vi sản xuất ra ngoài khu vực địa lý được chỉ dẫn sẽ làm mất hiệu lực bảo hộ, giới hạn sự phát triển của thương hiệu. Đăng ký chỉ dẫn địa lý yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý, đòi hỏi chứng minh nguồn gốc địa lý, đặc tính chất lượng của sản phẩm, và sự liên kết giữa sản phẩm và khu vực địa lý.
Kết luận
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về sự khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý để bản đọc tham khảo. Bài viết giúp bạn phân biệt được hai loại hình bảo hộ có gì khác nhau và ưu nhược điểm của từng loại hình. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!