Pháp Luật Kế Toán

Bị cưỡng chế hóa đơn có được xuất hóa đơn lẻ không? Tất tần tật những điều bạn cần biết

Bị cưỡng chế hoá đơn có được xuất hoá đơn lẻ không là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải. Vậy quy định pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ giải đáp rõ các vấn đề liên quan đến xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế

Giới thiệu khái quát về cưỡng chế hoá đơn

Khái niệm cưỡng chế hoá đơn là gì?

Cưỡng chế hoá đơn là gì? Theo điểm d khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì cưỡng chế hoá đơn hay ngừng sử dụng hoá đơn là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế của cơ quan thuế đối với người nộp thuế có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp nào doanh nghiệp bị cưỡng chế hoá đơn?

Doanh nghiệp bị cưỡng chế hoá đơn trong các trường hợp được pháp luật quy định. Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn được sử dụng trong các trường hợp sau:

Giới thiệu khái quát về cưỡng chế hoá đơn
Giới thiệu khái quát về cưỡng chế hoá đơn
  • Người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế dưới đây:
    • Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
    • Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
    • Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
  • Đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
  • Hoặc theo đề nghị của cơ quan hải quan.
  • Hoặc đã áp dụng các biện pháp này nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, khi đã có quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn mà doanh nghiệp vẫn tự ý tiếp tục sử dụng hoá đơn đó thì được coi là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Điều này dẫn đến việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp được xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế hoá đơn

Doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoá đơn vẫn có thể được xuất hoá đơn lẻ. Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh được cấp cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Trường hợp được xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế hoá đơn
Trường hợp được xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế hoá đơn

Đồng thời, tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:  Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo 02 Công văn 5113/TCT-CS năm 2021 và Công văn 37935/CTHN-TTHT năm 2023 hướng dẫn:

  • Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh: Được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn và phải nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định/nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng.
  • Doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì được sử dụng hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định rằng: Khi doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn thì vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh (xuất hoá đơn lẻ) để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân và các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục. 

Điều kiện xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế

Theo như các quy định nêu ở phần trên thì điều kiện xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế hoá đơn bao gồm:

Điều kiện xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế
Điều kiện xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế
  • Sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
  • văn bản đề nghị cơ quan thuế
  • Sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục
  • Phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.

Thủ tục đề nghị xuất hóa đơn lẻ theo quy định hiện hành

Hướng dẫn chi tiết từng bước

Theo điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Điều 12 Điều 12 Quyết định số 1447/QĐ-TCT năm 2021 của Tổng cục Thuế thì việc đề nghị xuất hoá đơn lẻ khi bị cưỡng chế hoá đơn được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp đơn đề nghị sử dụng hoá đơn điện tử lẻ tới cơ quan thuế

Doanh nghiệp nộp đơn đề nghị cấp hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Mẫu số 06/ĐN-PSĐT Phụ lục IA kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế và truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử.

Bước 2: Tiếp nhận đơn đề nghị 

Tiếp nhận đề nghị cấp hoá đơn điện tử (HĐĐT) có mã theo Mẫu số 06/ĐN-PSĐT theo phương thức điện tử trong trường hợp người nộp thuế đã có chữ ký số hoặc tài khoản sử dụng Cổng điện tử:

Cổng điện tử tiếp nhận đề nghị cấp HĐĐT có mã do người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan thuế. Trong thời gian 15 phút kể từ khi nhận được đề nghị cấp HĐĐT có mã, Cổng điện tử tự động đối chiếu thông tin và tạo, gửi thông báo (Mẫu số 01/TB-KTDL).

Thủ tục đề nghị xuất hóa đơn lẻ theo quy định hiện hành
Thủ tục đề nghị xuất hóa đơn lẻ theo quy định hiện hành

Công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu tiếp nhận trực tiếp các tài liệu liên quan tới đề nghị cấp HĐĐT có mã của người nộp thuế theo các văn bản quy định về việc cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh (như hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh lý,…).

Tiếp nhận đề nghị cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo Mẫu số 06/ĐN-PSĐT trong trường hợp người nộp thuế chưa có chữ ký số và tài khoản sử dụng Cổng điện tử:

Công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu tiếp nhận đề nghị Mẫu số 06/ĐN-PSĐT bản giấy có ký, đóng dấu (nếu có) của người nộp thuế và các tài liệu liên quan theo các văn bản quy định về việc cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh (như hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh lý, …).

Bước 3: Đối chiếu và hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã cơ quan thuế theo lần phát sinh

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ khi cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã theo lần phát sinh, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu thực hiện đối chiếu và hướng dẫn người nộp thuế để đảm bảo:

  • Người nộp thuế gửi đề nghị cấp hóa đơn có mã đến đúng cơ quan thuế.
  • Người nộp thuế thuộc trường hợp được sử dụng HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh theo quy định.
  • Thông tin trên chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu của người nhận hóa đơn khớp đúng với thông tin trên Mẫu số 06/ĐN-PSĐT.
  • Đối chiếu thêm hồ sơ của Bộ phận Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chuyển sang.

Khi hồ sơ của người nộp thuế đáp ứng các nội dung nêu trên, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các thủ tục khai, nộp thuế theo quy định. Bộ phận tiếp nhận dữ liệu chuyển hồ sơ khai thuế đến bộ phận xử lý hồ sơ khai thuế (trừ trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế theo phương thức điện tử).

Bước 4: Trình, phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã cơ quan thuế theo lần phát sinh

Khi người nộp thuế bổ sung chứng từ nộp thuế, ngay trong ngày làm việc, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu đối chiếu thông tin chứng từ nộp thuế đảm bảo khớp đúng loại thuế, số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không nộp thuế theo phương thức điện tử và nhận chứng từ giấy thì công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu thực hiện lưu trữ bản chụp chứng từ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước sau khi đối chiếu với bản gốc của người nộp thuế lưu giữ.

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ khi người nộp thuế bổ sung đầy đủ chứng từ nộp thuế, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu trình Phụ trách bộ phận phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh. Phụ trách Bộ phận xem xét và trình Thủ trưởng cơ quan thuế (hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thuế phân công, ủy quyền) duyệt hồ sơ cấp hóa đơn có mã theo lần phát sinh. 

Thủ trưởng cơ quan thuế (hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thuế phân công, ủy quyền) phê duyệt đề nghị cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh. Công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu cấp mã cho hồ sơ của người nộp thuế và cấp tài khoản cho người nộp thuế sử dụng để lập hóa đơn trực tiếp trên Cổng điện tử (trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản sử dụng Cổng điện tử). Tài khoản và mã hồ sơ được gửi đến địa chỉ thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại của người nộp thuế đăng ký trên Mẫu số 06/ĐN-PSĐT.

Trường hợp chứng từ nộp thuế không hợp lệ, trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ của người nộp thuế, công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu lập thông báo phản hồi về hồ sơ đề nghị cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 01-1/QTr-HĐĐT, trong đó ghi rõ lý do không chấp nhận hồ sơ, chuyển Phụ trách Bộ phận phê duyệt. Phụ trách Bộ phận xem xét, phê duyệt và trình thủ trưởng cơ quan thuế hoặc người được ủy quyền ký ban hành thông báo Mẫu số 01-1/QTr-HĐĐT. 

Thủ trưởng cơ quan thuế (hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thuế phân công, ủy quyền) phê duyệt, ký thông báo theo Mẫu số 01-1/QTr-HĐĐT. Công chức được giao làm công tác văn thư thực hiện ban hành thông báo Mẫu số 01-1/QTr-HĐĐT. Công chức thuộc Bộ phận tiếp nhận dữ liệu gửi thông báo cho người nộp thuế (gửi bản giấy đối với trường hợp người nộp thuế nộp bản giấy, Hệ thống HĐĐT tự động gửi cho người nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế nộp theo phương thức điện tử).

Bước 5: Tiếp nhận và xử lý HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh

Người nộp thuế sử dụng tài khoản trên Cổng điện tử để lập HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh.

Chậm nhất đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ khi người nộp thuế gửi HĐĐT, Bộ phận tiếp nhận dữ liệu đối chiếu thông tin hóa đơn điện tử đề nghị cấp mã với hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn có mã theo từng lần phát sinh. Trường hợp thông tin khớp đúng, Bộ phận tiếp nhận dữ liệu thực hiện xác nhận để Hệ thống HĐĐT tự động cấp mã theo quy định. Trường hợp thông tin không khớp đúng, Bộ phận tiếp nhận dữ liệu lập thông báo theo Mẫu số 01-1/QTr-HĐĐT theo quy định gửi cho người nộp thuế.

Lưu ý quan trọng khi làm thủ tục

Để làm thủ tục xuất hoá đơn lẻ được thuận lợi, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Đảm bảo hồ sơ đầy đủ và chính xác: Kiểm tra kỹ thông tin và các giấy tờ cần thiết trước khi nộp.
  • Nộp hồ sơ đúng nơi: Chọn cơ quan thuế phù hợp với quản lý của bạn để nộp hồ sơ.
  • Thời gian nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ trong giờ làm việc của cơ quan thuế.
  • Giữ liên lạc: Cập nhật thông tin liên lạc để nhận thông báo từ cơ quan thuế kịp thời.

Quy định về thuế giá trị gia tăng GTGT khi xuất hóa đơn lẻ

Điều kiện để có thể sử dụng hoá đơn điện tử cho từng lần khi doanh nghiệp đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoá đơn thì cần nộp khoản thuế GTGT nhất định. Theo điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải nộp ít nhất là 18% trên doanh thu của hoá đơn ngay.

Kết luận

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề cưỡng chế hoá đơn và các vấn đề liên quan cần biết để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 0936.149.833 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *