Thuế doanh nghiệp xổ số, trò chơi có thưởng: Những điều cần biết để tuân thủ pháp luật
Thuế doanh nghiệp xổ số, thuế trò chơi có thưởng được pháp luật quy định như thế nào? Doanh nghiệp kinh doanh các ngành này có được ưu đãi về thuế không? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ giải đáp chi tiết những vấn đề nêu trên.
Giới thiệu về thuế doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng
Tình hình kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng tại Việt Nam
Trước khi tìm hiểu về thuế doanh nghiệp xổ số hay thuế kinh doanh trò chơi có thưởng, chúng ta cần nắm bắt được tình hình kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng hiện nay. Theo đánh giá hiện nay thì ngành này tại Việt Nam đang trên đà phát triển, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng của người dân. Bên cạnh đó, nó cũng chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Hoạt động kinh doanh xổ số có xổ số truyền thống, xổ số điện toán. Xổ số truyền thống phổ biến nhất với các công ty xổ số kiến thiết của các tỉnh, thành phố tổ chức quay số hàng ngày hoặc hàng tuần. Còn xổ số điện thoại hay Vietlott có hình thức chơi linh hoạt, giải thưởng lớn. Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xổ số điện toán. Các sản phẩm của Vietlott bao gồm Mega 6/45, Power 6/55, Max 3D, Max 4D và Keno.
Hiện tại, Việt Nam có một số casino hoạt động hợp pháp tại các khu vực như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh. Các casino này phục vụ chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, các máy chơi game có thưởng được cài đặt tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp và khách sạn 5 sao, phục vụ cho cả khách trong và ngoài nước.
Nói chung, ngành kinh doanh xổ số và trò chơi có thưởng mang lại nguồn thu lớn cho nhà nước, tạo nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh gay gắt, yêu cầu cao về minh bạch và trách nhiệm xã hội, cũng như các rủi ro liên quan đến gian lận và lừa đảo.
Vai trò của thuế trong việc quản lý và phát triển ngành này
Việc nộp thuế xổ số hay thuế trò chơi có thưởng không chỉ là nguồn thu ngân sách quan trọng mà còn là công cụ hữu hiệu giúp nhà nước quản lý và phát triển ngành này một cách bền vững và hiệu quả. Thông qua các chính sách thuế, nhà nước có thể điều tiết hoạt động kinh doanh, khuyến khích đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội. Vai trò của thuế thể hiện ở các mặt:
- Đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước
- Là công cụ quản lý nhà nước
- Khuyến khích đầu tư và phát triển
- Đảm bảo công bằng xã hội.
Các sắc thuế áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng sẽ phải chịu các thuế theo quy định của pháp luật, theo đó:

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Về mức thuế suất:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng sẽ là 20%.
Đối tượng chịu thuế:
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì đối tượng chịu thuế là doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng được thành lập quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có sở thường trú tại Việt Nam, có hoạt động kinh doanh dịch vụ có thu nhập chịu thuế. Trong đó thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo khoản 1 Điều 3 Luật này.
Cách tính thuế TNDN:
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính như sau:

Theo Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013, Điều 5 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, thuế TNDN được tính theo công thức:
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất
Như vậy, để tính được số thuế phải nộp cần phải biết thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
- Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định.
Trong đó, thu nhập chịu thuế TNDN được xác định như sau: Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.
- Thuế suất thuế TNDN: 20%.
Theo đó, các bước tính thuế TNDN như sau:
Bước 1: Tính doanh thu trong kỳ tính thuế, chi phí được trừ, các khoản thu nhập khác
Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức
Bước 3: Tính thu nhập được miễn thuế, các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
Bước 4: Tính thu nhập tính thuế TNDN theo công thức
Bước 5: Tính tính thuế TNDN phải nộp theo công thức.
Các ưu đãi, miễn giảm (nếu có):
Đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể theo khoản 3 Điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC thì không áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Mà tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 thì kinh doanh xổ số và kinh doanh trò chơi có thưởng đều thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó không áp dụng ưu đãi thuế TNDN với doanh nghiệp kinh doanh 2 ngành nghề này.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Mức thuế suất:
Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng là 10%.
Đối tượng chịu thuế:
Theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì đối tượng chịu thuế bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, tại Điều 5 Luật này cũng đưa ra các đối tượng thuộc trường hợp không phải chịu thuế GTGT như: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng; phân bón, máy móc,…. Theo đó, kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng không thuộc trường hợp không phải chịu thuế GTGT.

Như vậy, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh 2 ngành này vẫn phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT theo quy định.
Cách tính thuế GTGT:
Hiện nay có 2 phương pháp tính thuế GTGT: Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
Trong đó, công thức chung để tính thuế GTGT như sau: Thuế GTGT = Giá tính thuế x thuế suất thuế GTGT.
Với mỗi phương pháp sẽ có sự khác nhau, cụ thể cách tính như sau:
Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế:
Được quy định tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Trong đó: Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn GTGT.
Thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.
Nếu sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế:
Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết… thì giá chưa có thuế được xác định như sau: Giá chưa thuế GTGT = Giá thanh toán / (1+ Thuế suất của hàng hóa).
Số thuế GTGT đầu vào = tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Tính thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:
Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì về đối tượng tính thuế GTGT đối với phương pháp tính trực tiếp trên GTGT sẽ áp dụng đối với:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm < 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
- Hộ, cá nhân kinh doanh;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Công thức tính thuế GTGT đối với phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT: Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó:
- Tỷ lệ % được xác định theo từng loại hoạt động.
- Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)
Mức thuế suất:
Theo Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 thì mức thuế suất đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số là 15%, kinh doanh trò chơi có thưởng là 35%.
Đối tượng chịu thuế:
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 thì đối tượng chịu thuế là dịch vụ kinh doanh xổ số, kinh doanh trò chơi có thưởng.
Cách tính thuế TTĐB:
Theo Điều 5 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như sau:
Số thuế TTĐB = Giá tính thuế TTĐB x thuế suất thuế TTĐB.
Trong đó: Giá tính thuế TTĐB được quy định tại Điều 6 Luật này. Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ nhưng chưa bao gồm các loại thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.
Lệ phí môn bài
Theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC thì người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp được miễn. Theo đó, với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu thuế môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Mức thu là 03 triệu đồng/năm.
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 02 triệu đồng/năm.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 01 triệu đồng/năm.
So sánh chế độ thuế giữa các loại hình kinh doanh
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng chế độ thuế giữa các loại hình kinh doanh: Xổ số truyền thống; Xổ số điện toán; Trò chơi điện tử có thưởng; Casino không quá khác biệt. Mức thuế suất ở thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài là tương tự nhau.

Điểm khác ở đây là khác về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó thì thuế suất của kinh doanh trò chơi có thưởng và casino là cao nhất (35%).
Các trường hợp vi phạm và hình thức xử phạt
Các trường hợp vi phạm
Các vi phạm thường gặp đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, trò chơi có thưởng như:
- Vi phạm về giấy phép kinh doanh: Không có giấy phép hoặc có nhưng kinh doanh ngành nghề nằm ngoài danh mục đăng ký…
- Vi phạm về thuế: Trốn thuế, chậm nộp thuế, sai phạm trong khai thuế…
- Vi phạm về quy định tài chính và kế toán: Báo cáo tài chính sai, không lưu giữ hồ sơ kế toán…
- Vi phạm về quảng cáo và khuyến mại: Quảng cáo sai sự thật, khuyến mại không đúng quy định….
- Vi phạm về quản lý và vận hành: Không đảm bảo công khai và minh bạch, vi phạm quyền lợi khách hàng.
Hình thức xử phạt
Các hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm có thể là:
- Xử phạt hành chính: Phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tạm ngừng kinh doanh…
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Truy thu thuế, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính, buộc cải chính thông tin.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kết luận
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề thuế doanh nghiệp xổ số, thuế trò chơi có thưởng để bản đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!