Pháp Luật Kế Toán

Khu phi thuế quan là gì? Quy định của pháp luật về khu phi thuế quan

Khu phi thuế quan là thuật ngữ không còn xa lạ đối với mỗi người. Tuy nhiên để hiểu rõ khu phi thuế quan là gì? Quy định của pháp luật về khu phi thuế quan như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Cùng Luật và Kế Toán An Khang tìm hiểu rõ hơn trong nội dung bài viết

Khái quát chung về khu phi thuế quan

Khu phi thuế quan là gì
Khu phi thuế quan là gì

Khu phi thuế quan là gì?

Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định về khu phi thuế quan như sau:

Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu

Mặt khác, Quyết định 100/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế của khẩu cũng ghi nhận về khái niệm khu phi thuế quan như sau:

Khu phi thuế quan là khu vực địa lý có ranh giới xác định, được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng, có cổng và cửa ra vào bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan, có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa và phương tiện ra vào khu.”

Như vậy, khu phi thuế quan được hiểu là khu vực có ranh giới rõ ràng, nằm trong lãnh thổ Việt Nam, thuộc quản lý của cơ quan Hải quan, và hàng hóa ra vào khu vực đó phải làm thủ tục hải quan như hàng xuất nhập khẩu.

Mục đích thành lập khu phi thuế quan là gì?

Việc xây dựng những điều luật cũng như quy định riêng khẳng định khu vực phi thuế quan là một nơi có tiềm lực về nguồn lợi kinh tế cũng như lợi ích mà nơi này đem lại có thể ảnh hưởng về nhiều mặt trong cuộc sống của những người dân tại khu vực này.

Thứ nhất: giải quyết các chế độ việc làm cho người lao động, giảm thiểu thực trạng thất nghiệp gây ra những tệ nạn xã hội.

Thứ hai: giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội cạnh tranh với các đối thủ trong cùng ngành nghề đặc biệt là các đối thủ quốc tế thông qua chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ ba:  tạo động lực làm việc cho người Việt Nam và người nước ngoài hiện đang làm việc, kinh doanh, sản xuất trong khu vực cửa khẩu kinh tế thông qua các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân.

Thứ tư:  các loại hàng hóa hoặc dịch vụ đến từ khu vực phi thuế quan thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc mức thuế suất GTGT áp dụng là 0%, giúp cho giá thành sản phẩm rẻ hơn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

>>>Xem thêm: Cơ chế thuế GTGT

Phân loại khu phi thuế quan

Danh sách các Khu phi thuế quan tại Việt Nam được nêu trong văn bản hợp nhất 16/VBHN–BTC và Quyết định 100/2009/QĐ–TTg của thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

1. Khu chế xuất 

Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ sản xuất hàng hoá xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ.

2. Kho bảo thuế

Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.

(Khoản 9, Điều 4, Luật Hải quan năm 2014)

3. Khu bảo thuế

Khu bảo thuế có định nghĩa tương tự như kho bảo thuế.

4. Kho ngoại quan

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ. Hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

(Khoản 10, Điều 4, Luật Hải quan năm 2014)

5. Khu kinh tế

Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.

(Khoản 17, Điều 3, Luật Đầu tư năm 2020)

6. Khu công nghiệp

Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ.

7. Các khu vực kinh tế khác có tên gọi theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ

Quy định pháp luật về khu phi thuế quan

Thủ tục thành lập và hoạt động

Điều kiện thành lập trong khu phi thuế quan cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

– Có ranh giới xác định

– Được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài, có hàng rào cứng bao quanh khu trừ các khu kinh tế – thương mại đặc biệt của mỗi quốc gia.

– Có cổng và cửa ra vào bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng khác có liên quan, có tổ chức Hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa và phương tiện ra, vào khu.

– Không có dân cư sinh sống bên trong

– Có quy chế kiểm soát hàng hóa ra vào chặt chẽ

– Khu phi thuế quan có thể nằm trong khu công nghiệp và thỏa mãn yêu cầu trên

– Mua bán hàng hóa trong khu phi thuế quan sẽ được coi là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Hoạt động của khu phi thuế quan

Các hoạt động trong khu phi thuế quan theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 100/2009/QĐ – TTg như sau:

– Trong khu phi thuế quan có các hoạt động:

+ Các hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các hoạt động khác quy định tại Luật Thương mại;

+ Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hóa.

– Các hoạt động nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan của Việt Nam về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Khu phi thuế quan là gì?
Khu phi thuế quan là gì?

Quy định về thuế, hải quan

Quy định về thuế

Khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau

Theo quy định trên thì các hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong khu phi thuế quan bán cho doanh nghiệp trong khu phi thuế khác hoặc bán cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc ngược lại thì được hưởng ưu đãi về thuế GTGT, thuộc đối tượng không chịu thuế.

Khoản 1 Điều 9 Thông Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng hưởng thuế suất GTGT 0% như sau:

Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng thuế suất 0% hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật

Theo quy định trên, hàng hóa của những doanh nghiệp nội địa, xuất vào khu phi thuế quan được hưởng thuế suất 0% trừ một số trường hợp theo quy định.

>>>Xem thêm: Kê khai và nộp thuế GTGT

Quy định về hải quan

Hàng hóa đưa vào, đưa ra khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu phải làm thủ tục hải quan, trừ các trường hợp sau đây:

  •  Hàng hóa thuộc Danh mục không thực hiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và từ nội địa Việt Nam vào khu phi thuế quan không được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng;
  •  Hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu thuộc Danh mục mặt hàng chịu thuế ngay theo quy định;
  • Hàng hóa có nguồn gốc từ nội địa khi đưa từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa.

Đối với hàng hoá là văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng do doanh nghiệp trong khu phi thuế quan mua từ nội địa Việt Nam để phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc được lựa chọn làm hoặc không làm thủ tục hải quan.

Các chính sách thương mại trong khu phi thuế quan

Quyết định về việc ban hành quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ đưa ra các nội dung chính sách thương mại trong khu phi thuế quan như sau:

Điều 7 quy định về vận chuyển hàng hóa tại Khu phi thuế quan: các hàng hóa xuất – khẩu nhập khẩu được vận chuyển ra – vào khu vực này cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan Hải quan.

Điều 8 quy định về hàng hóa phục vụ mục đích triển lãm, trưng bày hoặc lưu kho bãi: Những nguồn hàng này không bị hạn chế về số lượng cũng như thời gian lưu trữ.

Điều 9 quy định về hoạt động xuất – nhập khẩu tại khu phi thuế quan:

– Thứ nhất, các đối tượng đang hoạt động trong khu phi thuế quan sẽ được phép xuất – nhập khẩu hàng hóa, trừ các ản phẩm nằm trong Danh mục hàng cấm, hàng tạm ngừng xuất – nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật đưa ra.

– Thứ hai, hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa nằm trong nguồn hàng nằm trong Danh mục hàng hóa xuất – nhập khẩu theo giấy phép.

Cơ hội và thách thức của khu phi thuế quan là gì?

Ưu điểm

– Khu phi thuế quan góp phần giải quyết việc làm cho đại đa số bộ phận người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp, tránh các tệ nạn xã hội.

– Tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán, trao đổi sản phẩm và hàng hóa trong Khu kinh tế tài chính cửa khẩu. Khu phi thuế quan có thể phục vụ cho các tư nhân trẻ cũng như doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn có cơ hội tiếp xúc và thương lượng với nhau trên các cửa khẩu khác nhau.

– Là cầu nối cho sự giao lưu, hội nhập của các sản phẩm, hàng hóa với thị trường quốc tế.

– Tạo nên những ưu đãi về thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Trong khu vực phi thuế quan doanh nghiệp có thể được hưởng rất nhiều ưu đãi.

Cụ thể, doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài được miễn giảm thuế, không phải chịu bất kỳ một loại thuế thu nhập cá nhân hay thuế giá trị gia tăng nào. Đồng thời doanh nghiệp cũng có thể đưa sản phẩm đó xuất khẩu ra nước ngoài hoặc các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể vào Việt Nam để cung cấp mặt hàng theo yêu cầu.

Nhược điểm

– Mặc dù có sự kiểm soát về chất lượng sản phẩm nhưng tại các khu phi thuế quan vẫn xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn và không đạt yêu cầu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính.

– Chế độ đãi ngộ ưu tiên trong khu phi thuế quan ít nhiều làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước, nếu việc quản lý không được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Khi đó, những sản phẩm nước ngoài du nhập vào qua khu phi thuế quan có giá rẻ hơn, cạnh tranh không lành mạnh với thị trường trong nước.

Thách thức

Khu phi thuế quan mang đến cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sản xuất nhiều lợi ích và cơ hội kinh doanh. Nhưng cùng với đó là những thách thức đối với chính các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, hoạt động trên địa bàn này:

Đối với doanh nghiệp, cá nhân làm chủ kinh doanh: cần phải tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu thị trường để có những định hướng kinh doanh phát triển bền vững.

Đối với cá nhân làm việc, hoạt động trong khu phi thuế quan: cần trau dồi, tích lũy, nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân để giữ vững vị trí hoặc có những bước thăng tiến trong công việc, có năng lực cạnh tranh với các cá nhân đã, đang và sẽ làm việc, hoạt động trong khu phi thuế quan.

Đối với hàng hóa, dịch vụ trong khu phi thuế quan: cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ để giữ vững niềm tin trong thị trường tiêu dùng, tăng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đối thủ.

Kết luận

Trên đây là giải đáp thắc mắc khu phí thuế quan là gì và quy định của pháp luật về khu phi thuế quan. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063 686 đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao của Luật An Khang luôn sẵn sàng, trợ giúp mọi lúc, mọi nơi.

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *