Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Hướng dẫn phân tích và đánh giá dòng tiền doanh nghiệp
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong các yếu tố tạo nên một báo cáo tài chính hoàn chỉnh. Vậy báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì? Bao gồm những nội dung nào? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ hướng dẫn phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Giới thiệu về báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT)
Khái niệm báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT)
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 25/2017/NĐ-CP thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ, bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động chủ yếu, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo; số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc phạm vi tỉnh.
Mục đích và ý nghĩa của BCLCTT
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có ý nghĩa to lớn nhất là đối với bản thân doanh nghiệp, cụ thể:

- Cùng với các loại báo cáo khác để tạo nên bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Giúp các đối tượng sử dụng biết doanh nghiệp đã tạo ra tiền từ nguồn nào, chi tiêu vào mục đích gì. Từ đó đánh giá được về khả năng chi trả cổ tức và công nợ trong tương lai.
- Bổ sung thông tin đánh giá về hiệu quả hoạt động trong kỳ kinh doanh hiện tại và dự báo triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai, đánh giá về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ với nhà cung cấp tín dụng, khách hàng, người lao động và các nhà đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp.
Nội dung báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo quy định hiện hành
Căn cứ theo Điều 114 Thông tư 200/2014/TT-BTC, nội dung trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Bao gồm các khoản thu chi liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư mua sắm hoặc thanh lý các tài sản cố định và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Bao gồm các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động huy động vốn từ chủ nợ và chủ sở hữu, hoàn trả vốn cho chủ nợ, mua lại cổ phần, chia lãi cho nhà đầu tư, chia cổ tức cho cổ đông…
Phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Hiện nay, có 2 phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ là phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp. Cụ thể:

Phương pháp trực tiếp
Lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi. Từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.
Ưu điểm, nhược điểm
Phương pháp trực tiếp này khá đơn giản, phù hợp với những kế toán chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lập báo cáo. Tuy nhiên, nhược điểm là: Không có thấy được mối liên hệ giữa kết quả hoạt động kinh doanh với kết quả lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động này. Các số liệu trên báo cáo khó kiểm tra, đối chiếu với các số liệu trong các báo cáo khác.
Hướng dẫn cách lập
Xác định và trình bày dòng tiền vào và dòng tiền ra bằng cách tóm tắt và phân tích dòng tiền vào và dòng tiền ra trực tiếp cho các hồ sơ kế toán và kinh doanh cụ thể. Các chỉ tiêu cụ thể:
- Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác: Căn cứ vào tổng số tiền nhận được trong kỳ từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các khoản thu nhập khác.
- Trả cho nhân viên: Căn cứ vào tổng số tiền lương, tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng đã trả cho người lao động trong kỳ báo cáo mà doanh nghiệp đã thanh toán hoặc tạm ứng.
- Trả lãi khi vay: Tổng số tiền lãi đã trả khi vay trong kỳ báo cáo.
- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp: Được tính dựa trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước trong kỳ báo cáo.
- Thu nhập khác từ hoạt động kinh doanh: Dựa trên tổng số tiền nhận được từ các hoạt động kinh doanh khác, chẳng hạn như bồi thường, tiền thưởng, hỗ trợ.
- Chi phí khác của hoạt động kinh doanh: Tổng chi dựa trên các khoản mục khác như thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ khen thưởng.
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh: Nó phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu và chi của các hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo
Phương pháp gián tiếp
Đây là phương pháp lập mà khi đó luồng tiền liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ được xác định và trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ trước hết bằng cách điều chỉnh lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động kinh doanh khỏi ảnh hưởng của các khoản mục không phải bằng tiền, các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả từ hoạt động kinh doanh và các khoản mà ảnh hưởng về tiền là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
Ưu điểm, nhược điểm
- Khắc phục được nhược điểm của phương pháp trực tiếp, cho thấy cụ thể mối liên hệ giữa kết quả hoạt động kinh doanh với kết quả lưu chuyển tiền từ hoạt động này.
- Dễ kiểm tra, đối chiếu với các số liệu trong các báo cáo tài chính khác.
Hướng dẫn cách lập
Thực hiện theo các chỉ tiêu:
- Chỉ tiêu thứ nhất: Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp, lợi nhuận trước thuế là chỉ tiêu thể hiện tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, được lấy từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ báo cáo.
- Chỉ tiêu thứ hai: Khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư, doanh nghiệp cần loại bỏ số tiền khấu hao đối với XDCB (Xây dựng cơ bản) dở dang trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ và tính vào số khấu hao của phần giảm nguồn tài trợ tài sản cố định hiện có.
- Chỉ tiêu thứ ba: Các khoản dự trữ, những khoản dự trữ phản ánh sự trích trước, hoàn nhập và sử dụng trong kỳ của các khoản dự trữ đối với luồng tiền trong báo cáo sẽ được phản ánh.
- Chỉ tiêu thứ tư: Lãi lỗ từ hoạt động đầu tư, tổng lãi lỗ của kỳ hiện tại sẽ được tính vào lợi nhuận trước thuế, nhưng sẽ được phân loại là một phần của luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
- Chỉ tiêu thứ năm: Tăng/giảm hàng tồn kho, bút toán này sẽ được tạo ra dựa trên chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của đối tượng kiểm kê, nhằm phản ánh sự biến đổi của hàng tồn kho trong kỳ báo cáo.
So sánh hai phương pháp
Xét dưới góc độ nguyên tắc và cơ sở số liệu để lập báo cáo thì hai phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ này không khác nhau. Về phương pháp lập thì các dòng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của hai phương pháp được trình bày như nhau, điểm khác nhau nổi bật của hai phương pháp này là cách trình bày các thay đổi trong tài sản thuần từ hoạt động kinh doanh.
Như vậy, lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp đơn giản hơn, trong khi theo phương pháp gián tiếp lại phức tạp hơn khi phải thực hiện nhiều bước tính toán trung gian mới có được số liệu cần thiết. Nhưng nếu lập theo phương pháp gián tiếp sẽ hữu ích hơn khi phản ánh được mối liên hệ giữa kết quả hoạt động kinh doanh với kết quả lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh.
Đồng thời các số liệu đó còn có thể đối chiếu được với số liệu trong các báo cáo tài chính khác. Trong khi số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp trực tiếp sẽ không làm được điều này.
Cách đọc và phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ chính xác nhất
Các chỉ số quan trọng trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm các luồng tiền từ các hoạt động chủ yếu: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh: Bao gồm tổng thể các dòng tiền có liên quan đến hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cơ bản để đánh giá khả năng tạo tiền của doanh nghiệp. Ví dụ:

- Tiền thu được từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Tiền thu được từ các khoản doanh thu khác.
- Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Tiền chi trả cho chi phí thuê nhân công: Tiền lương người lao động, bảo hiểm, trợ cấp,…
Luồng tiền từ hoạt động đầu tư: Là luồng tiền có liên quan đến việc mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán tài sản và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền, bao gồm:
- Tiền chi để mua sắm, xây dựng các tài sản cố định và các tài sản khác
- Tiền chi cho vay đối với bên khác
- Tiền thu hồi việc cho vay từ bên khác….
Luồng tiền từ hoạt động tài chính: Là luồng tiền có liên quan đến việc thay đổi quy mô, kết cấu vốn chủ sở hữu, vốn vay của doanh nghiệp, bao gồm các khoản chính sau:
- Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp chủ sở hữu
- Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp đã phát hành
- Tiền thu từ các khoản đi vay ngắn hạn, dài hạn…
Phân tích một báo cáo lưu chuyển tiền tệ mẫu
Bước 1: Tìm hiểu về hoạt động của công ty và thời điểm lập báo cáo
Công ty làm trong lĩnh vực bất động sản: Doanh thu lớn, chi phí cao, để hoàn thành dự án, công trình thường kéo dài trong một khoảng thời gian. Thời điểm lập báo cáo là Quý I/2021.
Bước 2: Đi vào từng hoạt động cụ thể
Đối với hoạt động kinh doanh:
Đi cùng với hoạt động kinh doanh chính là doanh thu. Quý I/2021 Việt Nam và nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong tình trạng dịch bệnh. Vì thế ta có thể trả lời được câu hỏi doanh thu có phù hợp với tình hình thực tế hay không? Doanh thu sẽ đi cùng với chi phí. Với doanh thu như thế chi phí có phù hợp không? Đối chiếu bằng việc so sánh với kỳ trước.
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh hơn 44 tỷ. Về cơ bản thì có thể nhận định công ty làm ăn hiệu quả và hiệu quả này có được nhờ sự đóng góp của hoạt động đầu tư.
Đối với hoạt động đầu tư:
Theo bảng báo cáo thì kỳ này không có hoạt động đầu tư.
Khi doanh thu giảm từ 305 tỷ (kỳ trước) xuống còn 140 tỷ (kỳ này) nhưng hoạt động kinh doanh lại hiệu quả là vì trước đó công ty có hoạt động đầu tư. Trong kỳ có hoạt động đầu tư, công ty sẽ bỏ ra nhiều tiền nhưng cần có thời gian khoản đầu tư này mới tạo ra lợi ích kinh tế và nó được chuyển vào kỳ hiện tại nên dẫn đến việc kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời hoạt động đầu tư kéo theo chi phí phải trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ và nhân công trong kỳ đầu tư tăng cao.
Đó là lý do vì sao dòng tiền từ hoạt động kinh doanh kỳ trước âm (60 tỷ). Khi đầu tư doanh nghiệp chắc chắn phải đi vay để bổ sung vốn. Vì vậy chi phí lãi vay cũng bị đẩy lên cao. Ngoài ra, doanh nghiệp bán bớt một số tài sản không hữu ích thu được 2.8 tỷ để dùng tiền đó đầu tư hơn 14 tỷ vào tài sản, bất động sản.
Đối với hoạt động tài chính:
Khi hoạt động đầu tư ở kỳ trước diễn ra, tiền đi vay sẽ tăng 276 tỷ. Khi tiền đi vay tăng, trả nợ gốc vay cũng sẽ tăng theo 218 tỷ. Theo đó cơ cấu vốn của doanh nghiệp ở giai đoạn đầu tư là đi vay nợ và doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả.
Hoạt động vay nợ này sẽ phải trả vào nhiều kỳ tiếp theo. Vì vậy, ngay cả khi doanh nghiệp không còn hoạt động đầu tư thì việc trả gốc và lãi vay vẫn diễn ra. Chính vì vậy, nó làm giảm đáng kể dòng tiền cuối kỳ.
Mặt khác, tiền từ hoạt động kinh doanh là 44 tỷ không đủ để trả nợ gốc vay 108 tỷ. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục vay thêm 63 tỷ để bù đắp vào việc chi trả nợ gốc vay.
Bước 3: Nhận xét tổng quát.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ này chỉ lập trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, nếu muốn nhận định về việc sử dụng vốn của một doanh nghiệp cần căn cứ trong một khoảng thời gian dài mới đưa ra được những nhận định phù hợp (thường là năm tài chính).
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!