Thành Lập Doanh Nghiệp

Tại sao doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong những trường hợp nào? Tại sao phải thu hồi? Hậu quả để lại là gì? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ giải thích chi tiết tại sao doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Giới thiệu về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tầm quan trọng của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) là văn bản bằng giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.

Giới thiệu về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giới thiệu về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là loại giấy tờ rất quan trọng. Nó là “tấm vé thông hành” chứng minh sự thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật. Đồng thời nó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động của doanh nghiệp một cách chính xác hơn. 

Khái niệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện để hủy bỏ hoặc rút lại hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khi doanh nghiệp thuộc vào các trường hợp bị thu hồi theo quy định.

Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo

Việc xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo được quy định tại Điều 74 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp có căn cứ xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi GCNĐKDN.

Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tổ chức cá nhân đề nghị thu hồi có trách nhiệm cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh một trong các văn bản cần thiết bao gồm:

  • Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản trả lời văn bản do cơ quan đó cấp bị giả mạo;
  • Bản sao văn bản trả lời của cơ quan công an về việc nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 123 Đường X, Quận Y, tỉnh Z. Tuy nhiên, thực tế tại địa chỉ này không có doanh nghiệp nào hoạt động hoặc đây là một địa chỉ hư cấu. 

Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp thành lập

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì những người sau đây không được phép thành lập doanh nghiệp, bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chứcLuật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
  • Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A 17 tuổi đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên XYZ. Tuy nhiên, do A chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nên A không được phép thành lập doanh nghiệp. Vì vậy đây là một trong những trường hợp bị cấm.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm 

Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì sẽ bị thu hồi GCNĐKDN.

Ví dụ: Công ty Cổ phần ABC được thành lập vào tháng 01/2022, địa chỉ trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Vào tháng 01/2023, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, Ban lãnh đạo của Công ty ABC quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh để xem xét lại chiến lược và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong quá trình ngừng hoạt động, Công ty ABC không gửi bất kỳ thông báo nào đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh và cũng không nộp báo cáo thuế hàng quý cho Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh như quy định.

Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo yêu cầu

Theo điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không gửi báo cáo trong trường hợp này đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản thì sẽ bị thu hồi GCNĐKDN.

Ví dụ: 

Công ty TNHH Dịch vụ Xanh (Công ty Xanh) được thành lập vào tháng 6 năm 2021, chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại TP. Đà Nẵng. Địa chỉ đăng ký của công ty tại số 789 Đường ABC, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. 

Cuối năm 2022, Công ty Xanh phải nộp báo cáo tài chính cho năm tài chính 2022 theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng và Cục Thuế TP. Đà Nẵng. Do không đủ nguồn lực và không muốn báo cáo tình trạng tài chính yếu kém, Công ty Xanh đã không nộp báo cáo tài chính này đúng hạn.

Trong suốt năm 2023, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã gửi nhiều thông báo yêu cầu Công ty Xanh nộp các báo cáo tài chính và tờ khai thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhưng Công ty Xanh không phản hồi. Đến tháng 6 năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng quyết định phối hợp với Cục Thuế để kiểm tra tình trạng hoạt động của Công ty Xanh.

Sau khi kiểm tra và xác nhận rằng Công ty Xanh không nộp các báo cáo cần thiết theo yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Xanh vào tháng 7 năm 2023.

Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật

Các trường hợp khác phổ biến bao gồm thu hồi GCNĐKDN theo chế tài được bản án của Tòa quyết định.

Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ EFG (Công ty EFG) được thành lập vào năm 2018 và hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế tại TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, Công ty EFG đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán thiết bị y tế với các bệnh viện và cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, vào năm 2022, cơ quan chức năng phát hiện rằng Công ty EFG đã sử dụng các giấy tờ giả mạo để chứng minh nguồn gốc và chất lượng của thiết bị y tế nhập khẩu. Điều này gây nguy cơ cho sức khỏe và an toàn của người bệnh.

Vào tháng 05/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt đầu điều tra các hành vi gian lận và làm giả giấy tờ của Công ty EFG. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác nhận rằng Công ty EFG đã nhập khẩu và phân phối hàng trăm thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ sở y tế và người sử dụng.

Sau quá trình điều tra và xét xử, vào tháng 12/2023, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra phán quyết kết tội các lãnh đạo chủ chốt của Công ty EFG về các hành vi gian lận thương mại, làm giả giấy tờ, và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Tòa án cũng quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty EFG và yêu cầu thu hồi GĐKDN của công ty này.

Dựa trên phán quyết của Tòa án, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty EFG vào tháng 01/2024.

Hậu quả của việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi để lại hậu quả to lớn đối với cả doanh nghiệp và các bên liên quan, cụ thể:

Hậu quả của việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Hậu quả của việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp

Giấy chứng nhận ĐKDN là văn bản do Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm cấp cho doanh nghiệp; nhằm mục đích quản lý và bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp tại Việt Nam. Khi thu hồi giấy chứng nhận ĐKDN, Nhà nước không công nhận sự tồn tại tư cách pháp nhân của doanh nghiệp đó nữa. Theo đó, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động.

Đối với các bên liên quan (đối tác, khách hàng, nhân viên,…)

  • Với đối tác: Ảnh hưởng đến uy tín, mất đi các nhà đầu tư, nhà cung cấp trong hoạt động kinh doanh sau này
  • Với khách hàng: Mất niềm tin của khách hàng và phải gây dựng lại thương hiệu ngay từ đầu; tìm kiếm tệp khách hàng mới tiềm năng và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với khách hàng cũ.
  • Với nhân viên: Mất việc làm, khó khăn trong giải quyết quyền lợi và mất thời gian tìm kiếm, đào tạo lại nhân viên mới.

Biện pháp phòng tránh và khắc phục

Để tránh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý:

  • Tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật: Đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định khác có liên quan.
  • Khai báo trung thực, chính xác các thông tin đăng ký: Các thông tin đăng ký như trụ sở công ty, thông tin người đại diện, thành viên, vốn góp… phải đảm bảo đúng, chính xác, không giả mạo vì mục đích lợi nhuận.
  • Nộp báo cáo tài chính đúng hạn: Thực hiện lập và nộp báo cáo tài chính đúng hạn theo quy định Thông tư 200/2014/TT-BTC và các chuẩn mực kế toán.

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi giải đáp tại sao phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Lê Khắc Dũng là thạc sĩ Luật Hà Nội với hơn 10+ năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Pháp lý Doanh nghiệp. Sứ mệnh của tôi và Luật An Khang là đồng hành cùng Doanh nghiệp Việt trong mọi vấn đề Pháp lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *