Chồng làm giám đốc vợ làm kế toán trưởng được không? Cập nhật luật mới nhất 2024
Chồng làm giám đốc vợ làm kế toán trưởng được hay không? Đây là câu hỏi mà rất nhiều quý khách hàng thắc mắc khi thành lập doanh nghiệp. Luật An Khang giúp bạn tìm hiểu quy định pháp luật về việc người nhà làm cùng công ty, đặc biệt khi cùng giữ các chức vụ có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến công ty để tránh rủi ro và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong bài viết dưới đây!
Điều kiện và tiêu chuẩn của kế toán trưởng
Khoản 1 Điều 53 Luật Kế toán 2019 nêu khái niệm: Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của một đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán đó.

Để được bổ nhiệm kế toán trưởng cần đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tại Điều 21 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTC 2019:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Là người có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ về kế toán từ trung cấp trở lên đối với từng đơn vị kế toán, có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng theo quy định của pháp luật,
- Có thời gian công tác thực tế trong việc kế toán ít nhất là hai năm đối với những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế liên quan đến lĩnh vực kế toán ít nhất là ba năm đối với trường hợp có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán ở bằng cấp cao đẳng;
- Là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, không bị tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc đang chấp hành các biện pháp giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Văn bản hợp nhất này.
Chồng làm giám đốc vợ làm kế toán trưởng được không?
Điều 19 Nghị định 02/VBHN-BTC năm 2019 quy định những người không được làm kế toán gồm:
- Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dựa vào khoản 3 Điều 52 Luật Kế toán 2019 thì vợ của giám đốc được làm kế toán trong trường hợp kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu. Như vậy, công ty của bạn phải hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ và không có vốn nhà nước theo quy định trên thì vợ bạn mới được làm kế toán trưởng.
Trình tự và thủ tục bổ nhiệm kế toán trưởng
Doanh nghiệp tiến hành bổ nhiệm kế toán trưởng thông qua 3 bước chính như sau:
- Bước 1. Lựa chọn kế toán trưởng, người phụ trách kế toán đủ điều kiện;
- Bước 2. Người đại diện theo pháp luật ký Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng/người phụ trách kế toán;
- Bước 3. Bổ sung thông tin trong hồ sơ doanh nghiệp.
Công ty có thể cập nhật, bổ sung thông tin về kế toán trưởng với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc ngân hàng (Ví dụ: thay đổi thông tin đăng ký thuế đồng thời cập nhật thông tin kế toán trưởng…)
Kết luận
Trên đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu về việc chồng làm chủ sở hữu thì vợ có thể giữ chức kế toán trưởng hay không. Nếu còn bất kỳ thắc mắc bất cứ vấn đề gì, quý khách hãy liên hệ hotline Luật An Khang để được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn chi tiết nhất về các vấn đề liên quan đến kế toán và doanh nghiệp của cũng như hướng dẫn thực hiện toàn bộ thủ tục thành lập công ty, bổ nhiệm kế toán trưởng.