Thành Lập Doanh Nghiệp

Tổ chức lại doanh nghiệp: Khái niệm, mục đích và các hình thức phổ biến

Tổ chức lại doanh nghiệp là quá trình điều chỉnh cấu trúc và hoạt động của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu chiến lược. Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ đưa ra những thông tin cần thiết về thủ tục này!

Tổ chức lại doanh nghiệp: Khái niệm, mục đích và các hình thức phổ biến
Tổ chức lại doanh nghiệp: Khái niệm, mục đích và các hình thức phổ biến

Giới thiệu

Khái niệm tổ chức lại doanh nghiệp

Căn cứ khoản 31 Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020, “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp” nhằm thay đổi quy mô hoặc loại hình theo quyết định của chủ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn kinh doanh.

Mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức lại doanh nghiệp

Việc tổ chức lại doanh nghiệp có mục đích và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một tổ chức. Mục đích chính của việc này là cải thiện hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm chi phí để tăng cường hiệu suất. Ngoài ra, tổ chức lại doanh nghiệp còn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường và vượt qua đối thủ. 

Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 198 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới”

Chia công ty có bản chất khá giống việc chia pháp nhân được quy định tại BLDS. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới. Việc chia công ty dựa vào ý chí tự do của chủ sở hữu công ty mà không có sự bắt buộc từ cơ quan khác, đây một là điểm khác biệt so với chia pháp nhân nói chung.

Ví dụ: Công ty TNHH A là công ty bị chia thành hai công ty mới, hai công ty mới là: công ty TNHH B và công ty TNHH C. Sau khi thực hiện thủ tục chia công ty, công ty TNHH A chấm dứt sự tồn tại, công ty TNHH B và công ty TNHH C được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp và có tư cách pháp lý độc lập.

Chia doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

– Chủ sở hữu doanh nghiệp là người có quyền quyết định việc chia công ty, công ty bị chia được chia thành hai hoặc nhiều công ty mới.

– Công ty bị chia và những công ty mới được chia không bắt buộc phải cùng loại hình doanh nghiệp. Sau khi đã chia doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của công ty mới được chia sẽ tiến hành đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty mới sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh như một chủ thể độc lập.

– Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. 

– Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

Tách doanh nghiệp

Tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc tách công ty như sau:

“Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.”

Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.

Ví dụ: Công ty TNHH M là công ty bị tách. Sau khi thực hiện thủ tục tách công ty để thành lập công ty TNHH N, công ty TNHH M vẫn tồn tại hoạt động nhưng có quy mô nhỏ hơn so với lúc chưa tách. Công ty TNHH N được tách ra từ công ty TNHH M có tư cách pháp lý độc lập khi được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tách doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

– Chủ sở hữu công ty là người có quyền quyết định trong việc tách công ty

– Công ty bị tách và công ty được tách không bắt buộc phải cùng loại hình doanh nghiệp. Công ty bị tách vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bị giảm về quy mô sau khi bị tách, công ty được tách có tư cách pháp lý độc lập.

– Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác. Các công ty được tách đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.

Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp
Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Hợp nhất doanh nghiệp

Căn cứ theo Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”

Như vậy, hợp nhất công ty mang tính chất tập trung kinh tế vì có sự hợp nhất của hai hay nhiều công ty cùng nhau hợp lại tạo thành một công ty lớn mạnh hơn so với những công ty bị hợp nhất trước đó. Do vậy, bên cạnh các quy định pháp luật về doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất cần tuân thủ những quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty.

Ví dụ: CTCP Q và CTCP P cùng tiến hành hợp nhất thành CTCP Y. Sau khi thực hiện thủ tục hợp nhất công ty, CTCP Q và CTCP P chấm dứt sự tồn tại. CTCP Y (công ty hợp nhất) được cấp Giấy nhận nhận đăng ký doanh nghiệp và có tư cách pháp lý độc lập.

Hợp nhất doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

– Hợp nhất công ty là hoạt động tập trung kinh tế, có sự thống nhất dựa trên việc thoả thuận ý chí giữa các công ty bị hợp nhất lại với nhau thông qua sự quyết định của chủ sở hữu công ty bị hợp nhất. Các công ty bị hợp nhất sẽ ký kết hợp hợp đồng hợp nhất để tiến hành hợp nhất thành công ty mới.

– Công ty bị hợp nhất và công ty hợp nhất có thể là những công ty cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp

– Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.

Sáp nhập doanh nghiệp

Căn cứ Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”

Điểm khác biệt so với hợp nhất công ty, công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại sau sau khi nhận sáp nhập, công ty nhận sáp nhập có sự thay đổi về nguồn vốn và quy mô hoạt động vì những giá trị của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển qua cho công ty nhận sáp nhập. Giữa công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập có thoả thuận thống nhất dựa trên hợp đồng sáp nhập.

Ví dụ: CTCP E tiến hành việc sáp nhập vào CTCP F. Sau khi thực hiện thủ tục sáp nhập, CTCP E chấm dứt sự tồn tại. CTCP F sau khi có thêm sự sáp nhập của CTCP E sẽ được tăng thêm về nguồn vốn, mở rộng quy mô và vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh với tư cách pháp lý độc lập.

Sáp nhập doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

– Sáp nhập công ty là hoạt động mang tính chất tập trung kinh tế. Công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập có sự thống nhất dựa trên sự thỏa thuận về hợp đồng sáp nhập theo quyết định của các chủ sở hữu công ty đó. Công ty nhận sáp nhập vẫn tiếp tục tồn tại và có quy mô lớn hơn sau khi được một hoặc nhiều công ty khác sáp nhập vào.

– Những công ty tham gia việc sáp nhập có thể là những công ty cùng hoặc khác loại hình doanh nghiệp.

– Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Căn cứ Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

– Doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:

+ Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

+ Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

+ Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

+ Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.

– Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Điều kiện tổ chức lại doanh nghiệp

Điều kiện chia doanh nghiệp

– Chia doanh nghiệp chỉ áp dụng với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần với điều kiện công ty được chia phải cùng loại theo quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới trong một trong các trường hợp sau đây:

+ Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

+ Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;

+ Kết hợp cả hai trường hợp trên.

Điều kiện tách doanh nghiệp

– Tách doanh nghiệp chỉ được áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Điều kiện hợp nhất doanh nghiệp

– Các doanh nghiệp hợp nhất với nhau thống nhất với nhau về thủ tục và điều kiện hợp nhất, phương án sử dụng lao động, thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản… thông qua hợp đồng hợp nhất;

– Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của doanh nghiệp bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua;

– Phải thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện hợp nhất nếu: hợp nhất doanh nghiệp được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, giá trị giao dịch từ 1.000 tỷ đồng trở lên, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp hợp nhất từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Điều kiện tổ chức lại doanh nghiệp
Điều kiện tổ chức lại doanh nghiệp

Điều kiện sáp nhập doanh nghiệp

– Về loại hình doanh nghiệp: Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc các công ty sáp nhập phải cùng loại hình. Do vậy, các công ty thuộc các loại hình khác nhau (công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh) vẫn có thể tiến hành sáp nhập như bình thường.

– Việc sáp nhập doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật Cạnh tranh, đảm bảo rằng việc sáp nhập giữa các công ty không gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam. Ví dụ: nếu 02 công ty có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan sáp nhập với nhau thì bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh, do vậy việc sáp nhập này là không phù hợp.

Điều kiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

* Chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV khi:

– Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;

– Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

– Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công ty chỉ còn lại một cổ đông hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần thì công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH MTV đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

* Chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV:

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo các trường hợp sau đây:

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Kết hợp các trường hợp trên và các phương thức khác;

– Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.

* Công ty TNHH MTV chuyển đổi thành Công ty Cổ phần khi:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp các trường hợp trên và các phương thức khác.

* Chuyển đổi thành Công ty TNHH NTV:

Công ty TNHH MTV có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV khi công ty thực hiện: Huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn; Bán một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác; Tặng cho một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác,…

Công ty phải nhanh chóng thực hiện đăng ký chuyển đổi công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.

* Công ty TNHH MTV chuyển đổi chuyển đổi thành Công ty Cổ phần:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp các trường hợp trên và các phương thức khác.

*  Chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV:

Công ty TNHH MTV có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV khi: Một thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tương ứng của tất cả thành viên góp vốn còn lại; Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là thành viên góp vốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của tất cả thành viên góp vốn của công ty;…

* Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH MTV, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, công ty TNHH MTV, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân khi đáp ứng một số điều kiện:

– Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Không kinh doanh ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh;

+ Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;

+ Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hợp lệ;

+ Nộp đủ lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp

Thủ tục chia doanh nghiệp

Bước 1: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết chia công ty theo quy định. Nghị quyết chia công ty phải có các nội dung: 

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia tên các công ty sẽ thành lập;
  • Nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty; 
  • Phương án sử dụng lao động;
  • Cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập;
  • Nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty.

Bước 2: Nghị quyết chia công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.

Bước 3: Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết chia công ty.

* Hồ sơ chia doanh nghiệp

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

– Dự thảo Điều lệ công ty

– Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)

– Nghị quyết chia công ty

Và bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:

– Giấy chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực đối với thành viên là cá nhân;

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức, kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức

– Bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị chia.

-Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị chia

* Thời hạn giải quyết: 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ

* Lưu ý:

+ Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp giấy chứng đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động đê một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này.

+ Số lượng thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của các công ty mới sẽ được ghi tương ứng với cách thức chia, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị chia sang các công ty mới tương ứng với các trường hợp luật định.

+ Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhập tình trạng pháp lý của công ty bị chia trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty mới.

Thủ tục tách doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020, tại Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự, hồ sơ tách doanh nghiệp như sau:

Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định. Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết. 

– Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty.

* Hồ sơ cần chuẩn bị:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

– Dự thảo Điều lệ công ty

– Danh sách thành viên công ty, cổ đông sáng lập (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần)

– Nghị quyết tách công ty

Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:

– Giấy chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực đối với thành viên là cá nhân;

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức, kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức

– Bản sao hợp lệ biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị tách

* Thời hạn giải quyết: 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ

thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp
thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp

Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

Bước 1: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập
  • Thủ tục và điều kiện sáp nhập
  • Phương án sử dụng lao động
  • Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập
  • Thời hạn thực hiện sáp nhập

Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua

Bước 3: Các công ty bị sáp nhập thực hiện thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế

* Hồ sơ cần chuẩn bị:

– Biên bản họp và Quyết định của chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của Công ty bị sáp nhập về việc sáp nhập công ty, thông qua hợp đồng sáp nhập và Điều lệ công ty nhận sáp nhập

– Công văn xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế;

– Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp (bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp)

– Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập

Hồ sơ cần chuẩn bị cho việc đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập tùy thuộc vào việc công ty nhận sáp nhập có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hay không.

Trường hợp công ty nhận sáp nhập không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh:

  • Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp;
  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập.

Trường hợp công ty nhận sáp nhập có thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh

  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập.

* Lưu ý:

– Trường hợp sau khi sáp nhập doanh nghiệp mà nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập không thay đổi, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp, công ty nhận sáp nhập gửi thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập.

– Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

Thủ tục hợp nhất doanh nghiệp

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ hợp nhất doanh nghiệp

Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh

Hồ sơ được scan màu => Nộp trực tuyến cho Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính.

Bước 3: Nhận kết quả 

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính sẽ cấp giấy phép mới.

Bước 4: Làm hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế cho công ty bị hợp nhất

  • Nộp hồ sơ Công Bố Giải Thể (Sở kế hoạch và đầu tư):
  • Nộp hồ sơ xác nhận công ty không nợ thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan)
  • Nộp hồ sơ giải thể công ty tại Chi cục thuế quản lý của công ty
  • Hoàn tất thủ tục giải thể/chấm dứt tồn tại (Sở kế hoạch và đầu tư)
  • Lập BB Hủy con dấu/ Trả dấu

* Hồ sơ cần chuẩn bị

Theo quy định tại Điều 25 – Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì thành phần hồ sơ hợp nhất doanh nghiệp/công ty bao gồm:

  • Điều lệ công ty hợp nhất;
  • Hợp đồng hợp nhất;
  • Đơn đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp (Công ty hợp nhất được thành lập thuộc loại hình doanh nghiệp nào thì nộp hồ sơ đăng ký thành lập tương ứng với loại hình);
  • Danh sách thành viên;
  • Danh sách cổ đông;
  • Nghị quyết thông qua hợp đồng hợp nhất của các công ty bị hợp nhất;
  • Biên bản họp thông qua hợp đồng hợp nhất của các công ty bị hợp nhất;
  • Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực; kèm theo là bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân của người được ủy quyền.

*Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

*Phí, lệ phí: 150.000 đồng/lượt (Lệ phí đăng ký doanh nghiệp và Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp).

Thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Mỗi loại hình được chuyển đổi sẽ có các thành phần giấy tờ, hồ sơ khác nhau. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tư nhân đều gồm các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp tư nhân lựa chọn 1 trong 4 loại hình được chuyển đổi; 

Bước 2: Doanh nghiệp tư nhân soạn hồ sơ tùy theo loại hình muốn chuyển đổi;

Bước 3: Doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 cách nộp hồ sơ:

  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở công ty;
  • Nộp qua mạng thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Hiện tại, hầu hết các tỉnh/thành đều có áp dụng hình thức nộp qua mạng. Trong đó, một số tỉnh/thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… bắt buộc nộp hồ sơ online mà không nhận hồ sơ bản giấy nữa. 

Bước 4: Chờ nhận kết quả:

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ;

Nếu hồ sơ không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và tiến hành nộp lại từ đầu. 

Lưu ý: Nếu có phát sinh chuyển nhượng vốn thì cần phải làm thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế quản lý, hồ sơ bao gồm:

  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn;
  • Tờ khai thuế TNCN do chuyển nhượng vốn.

* Hồ sơ cần chuẩn bị:

Trường hợp 1: Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH 1 TV

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu quy định).
  • Điều lệ công ty.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Cam kết bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
  • Thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
  • Cam kết bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân;
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 2: Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH 2 TV

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Cam kết bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
  • Thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
  • Cam kết bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân;
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 3: Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lậpdanh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Cam kết bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
  • Thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
  • Cam kết bằng văn bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản của chủ doanh nghiệp tư nhân với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân;
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 4: Chuyển đổi công ty TNHH 1 TV sang công ty TNHH 2TV

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư;
  • Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty về việc huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác và giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới trong trường hợp huy động vốn góp của thành viên mới;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 5: Chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
  • Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc chuyển đổi công ty;
  • Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông mới;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 6: Chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty tnhh một thành viên

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 7: Chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty cổ phần

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty;
  • Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông mới;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 8: Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;
  • Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông mới;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 9: Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH hai thành viên trở lên

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
  • Bản sao các giấy tờ theo khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;
  • Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông mới;
  • Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trên đây là những thông tin về quy định tổ chức lại doanh nghiệp mà chúng tôi muốn chia sẻ. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi.

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Lê Khắc Dũng là thạc sĩ Luật Hà Nội với hơn 10+ năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Pháp lý Doanh nghiệp. Sứ mệnh của tôi và Luật An Khang là đồng hành cùng Doanh nghiệp Việt trong mọi vấn đề Pháp lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *