Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z
Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là gì? Đối tượng nào được tạm nộp thuế? Cách tính như thế nào? Trình tự, thủ tục ra sao? Thời hạn tạm nộp là bao lâu? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ hướng dẫn chi tiết từ A đến Z về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giới thiệu về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Khái niệm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 thì thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013 thì thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế mà nhà nước trực tiếp thu vào ngân sách của nhà nước tính trên thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp (tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ).
Khái niệm tạm nộp thuế TNDN
Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản tiền thuế doanh nghiệp tạm đóng hàng tháng, hàng quý căn cứ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục đích của việc tạm nộp thuế TNDN
Việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giúp:
- Đảm bảo dòng tiền cho ngân sách nhà nước
- Giảm áp lực tài chính vào cuối kỳ thuế
- Tăng cường kỷ luật tài chính cho doanh nghiệp
- Ngăn ngừa trốn thuế và gian lận thuế
- Giảm thiểu rủi ro nợ đọng thuế
Đối tượng áp dụng tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013 thì người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế.
Do đó, đối tượng áp dụng tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh.
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng năm
Theo Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 25/2018/TT-BTC thì công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng năm được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
- Phần trích lập quỹ KH&CN (Quỹ Khoa học & Công nghệ): Đây là loại quỹ được thành lập nhằm tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thông qua quy trình nghiên cứu, sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Mức trích tối đa đối với quỹ KH&CN là 10%.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp thông thường là 20%
- Thuế suất thuế TNDN đối với quỹ tài chính, tín dụng là 17%
- Thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp có hoạt động dò tìm, khai thác, chế biến tài nguyên là từ 32% đến 50%.
- Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý
Thuế TNDN tạm nộp mỗi quý = Thuế TNDN phải nộp hàng năm / 4
Ví dụ minh hoạ
Giả sử doanh nghiệp B có các thông tin tài chính dự tính cho năm tài chính như sau:
- Thu nhập chịu thuế ước tính: 12 tỷ VND
- Thu nhập được miễn thuế: 1,5 tỷ VND
- Các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước: 3 tỷ VND
- Tỷ lệ trích lập quỹ KH&CN: 5%
- Thuế suất thuế TNDN: 20%
Bước 1: Tính thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế =12 tỷ VND – (1, 5 tỷ VND + 3 tỷ VND)
Bước 2: Tính phần trích lập quỹ KH&CN:
Phần trích lập quỹ KH&CN=7,5 tỷ VND×5% = 0,375 tỷ VND
Bước 3: Tính thuế TNDN phải nộp cả năm:
Thuế TNDN phải nộp = (7,5 tỷ VND – 0.375 tỷ VND) × 20% =1,425 tỷ VND
Bước 4: Tính thuế TNDN tạm nộp mỗi quý:
Thuế TNDN tạm nộp mỗi quý = 1,425 tỷ VND / 4 = 356,25 triệu VND
Như vậy:
- Thu nhập chịu thuế ước tính: 12 tỷ VND
- Thu nhập tính thuế: 7,5 tỷ VND
- Phần trích lập quỹ KH&CN: 0,375 tỷ VND
- Thuế TNDN phải nộp cả năm: 1,425 tỷ VND
- Thuế TNDN tạm nộp mỗi quý: 356,25 triệu VND
Các trường hợp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Các trường hợp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013 thì các trường hợp được miễn thuế TNDN bao gồm:
- Thu nhập liên quan đến nông nghiệp
- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp
- Thu nhập từ việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ
- Doanh nghiệp có từ 30% số lao động là người khuyết tật…
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho một số đối tượng
- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn…sau khi bên nhận góp vốn đã nộp thuế
- Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục..
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải
- Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của:
- Phần thu nhập không chia
- Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên
- Thu nhập của văn phòng thừa phát lại
Các trường hợp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 15 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung 2013, các trường hợp được giảm thuế TNDN, bao gồm:
- Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ.
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số.
- Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
Thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Đồng thời, khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP nếu trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Hồ sơ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính, quyết toán
Hồ sơ cần chuẩn bị
Doanh nghiệp cần chuẩn bị và thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo nội dung như sau:
- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo mẫu 01A/TNDN: Nội dung tại mẫu 01A/TNDN sẽ dành cho các doanh nghiệp mới thành lập hoặc hoạt động kinh doanh bị lỗ vào năm trước dùng để kê khai.
- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo mẫu 01B/TNDN: Đối với nội dung mẫu 01B/TNDN sẽ dành cho các doanh nghiệp khai theo tỷ lệ chịu thuế trên doanh thu tạm tính và doanh nghiệp không kê khai được chi phí phát sinh
Lưu ý: Kể từ ngày Thông tư 151/2014/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực 15/11/2014, Bộ Tài chính có những quy định đối với thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Mỗi quý, doanh nghiệp không cần thực hiện lập tờ khai thuế TNDN tạm tính quý. Thay vào đó, doanh nghiệp dựa trên căn cứ kết quả kinh doanh thực hiện tạm nộp số thuế TNDN của quý. Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo.
- Nếu tổng 4 lần nộp thuế TNDN tạm tính quý từ 20% trở lên so với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải nộp thì doanh nghiệp thực hiện nộp lãi chậm nộp với mức chênh lệch là 20%.
- Đối với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý nhỏ hơn so với số thuế phải nộp quyết toán dưới 20% mà doanh nghiệp nộp chậm so với thời gian được quy định thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết hạn nộp thuế đến ngày hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Sau khi doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xong thì Cơ quan quản lý thuế sẽ tiến hành kiểm tra nội dung quyết toán thuế, nếu có sự sai sót hoặc số thuế bị chênh lệch thì doanh nghiệp bị tính tiền nộp chậm đối với toàn bộ số thuế đã quyết toán.
Các hình thức nộp thuế
Doanh nghiệp thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính qua các hình thức sau:
- Qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng.
- Nộp thuế TNDN tạm tính trực tiếp tại kho bạc nhà nước.
- Nộp thuế thông qua tổ chức được ủy quyền.
- Nộp thuế qua trang web của Tổng cục thuế
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!