Rủi ro khi là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: 4+ điều cần biết để bảo vệ bản thân
Rủi ro khi là người đại diện theo pháp luật là gì? Và cách phòng tránh để đảm bảo an toàn cho bản thân và doanh nghiệp. Hãy cùng Luật An Khang tìm hiểu nhé!
Người đại diện theo pháp luật là gì?
Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có những trách nhiệm sau:
- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
- Chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm các nghĩa vụ.
Các loại rủi ro khi làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Rủi ro pháp lý
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật như hoạt động không đúng ngành nghề kinh doanh, hoạt động không có giấy phép, vi phạm các nghĩa vụ về thuế… thì người đại diện theo pháp luật sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hay có hành vi trốn thuế, lừa đảo, kinh doanh trái phép thì người đại diện theo pháp luật sẽ đại diện cho doanh nghiệp trong tố tụng, thực hiện các các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước trọng tài, tòa án về các nghĩa vụ giải trình, nộp phạt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu có.
Theo Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”.
Ngoài ra, với tư cách là người góp vốn, người đại diện theo pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn cam kết góp vào công ty theo quy định tại điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 (loại hình công ty TNHH).
Rủi ro tài chính
Khi thành lập doanh nghiệp, nếu người đại diện pháp luật là thành viên góp vốn hay cổ đông của doanh nghiệp thì theo quy định họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trên phần vốn góp của mình khi có xảy ra các rủi ro về tài chính. Tuy nhiên, theo Luật doanh nghiệp thì người đại diện không nhất thiết phải là thành viên góp vốn hoặc là cổ đông của công ty. Vậy nên nếu người đại diện là người được thuê thì xét về bản chất người đại diện cũng chỉ là một nhân viên như bình thường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xảy ra các rủi ro về tài chính thì người đại diện phải liên đới chịu trách nhiệm dựa trên phạm vi nghĩa vụ của mình.
Rủi ro uy tín cá nhân
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, người đại diện có vai trò như thay mặt doanh nghiệp ký kết mọi thỏa thuận, hợp đồng, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp mà không cần ủy quyền hay chấp thuận nào.
Vì vậy, có thể nói danh tiếng của doanh nghiệp sẽ gắn liền với uy tín của người đại diện, đặc biệt là người đại diện theo pháp luật. Khi doanh nghiệp gặp vấn đề, kinh doanh sa sút, sụt giảm danh tiếng trên thị trường sẽ kéo theo uy tín của người đại diện sụt giảm.
Cách phòng tránh và giảm thiểu rủi ro khi làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh
Trước khi nhận đại diện cho một doanh nghiệp, chủ thể cần tìm hiểu kỹ về loại hình doanh nghiệp cũng như ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà mình đại diện. Bởi, mỗi loại hình sẽ có quy định khác nhau về số lượng, quyền hạn, trách nhiệm đối với người đại diện theo pháp luật.
Ví dụ, đối với doanh nghiệp hợp danh, tất cả các thành viên hợp danh đều là đại diện theo pháp luật của công ty. Vì vậy, loại hình này sẽ có nhiều chủ thể đại diện theo pháp luật, có thể xảy ra tình trạng đối tác làm việc với hai người đại diện theo pháp luật vào hai thời điểm khác nhau khiến không nhất quán trong việc thực hiện giao dịch gây khó khăn khi hợp tác; gây chồng chéo về quyền hạn và trách nhiệm của các người đại diện theo pháp luật, thậm chí phải liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà mình không gây ra.
Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật
Khi đại diện doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.
Điều đó thúc đẩy doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa việc thực hiện pháp luật đem lại lợi ích cho mình như các chính sách miễn giảm thuế, chính sách thúc đẩy đầu tư, đồng thời hạn chế việc thực hiện pháp luật mà kết quả là ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, như: nộp thuế, thực hiện trách nhiệm với người lao động, bảo vệ môi trường…
Từ đó, người đại diện theo pháp luật có thể quản lý tài chính một cách minh bạch, hiệu quả; cẩn trọng trong việc ký kết hợp đồng, tránh được rủi ro về pháp lý, hạn chế việc chịu trách nhiệm do vi phạm pháp luật một cách tối đa.
Mua bảo hiểm trách nhiệm cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Tất cả các doanh nghiệp đều có trách nhiệm pháp lý đối với khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, Nếu bên thứ ba chịu thiệt hại về tài sản hay thương tật do sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc chi trả bồi thường, doanh nghiệp và người đại diện pháp luật còn bị ảnh hưởng không nhỏ về thời gian, uy tín thương hiệu và chi phí pháp lý liên quan. Trong trường hợp này, Bảo hiểm trách nhiệm sẽ là công cụ hiệu quả bảo vệ doanh nghiệp cũng như người đại diện trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cung cấp sự đảm bảo tài chính nhằm đáp ứng các chi phí kiện tụng và các thiệt hại phải trả cho bên thứ ba do sai sót trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn của doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp đó.
Các doanh nghiệp, cá nhân, đối tác đang cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, chuyển giao hoặc các dịch vụ chuyên nghiệp khác có thể được khuyến nghị tham gia bảo hiểm trách nhiệm, trong đó có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như:
- Bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh (DPI)
- Bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư (LPI)
- Bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp Môi giới bảo hiểm (PI)
- Bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp vận hành cảng (MTO)
- Bảo hiểm Trách nhiệm khác
Kết luận
Trên đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu về những rủi ro khi làm người đại diện của doanh nghiệp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc bất cứ vấn đề gì, quý khách hãy liên hệ hotline Luật An Khang để được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn chi tiết nhất về người đại diện của công ty và hướng dẫn thực hiện toàn bộ thủ tục thành lập công ty cũng như thủ tục thay đổi liên quan đến đại diện.