Hướng dẫn kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật
Kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là quy trình mà các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và kinh doanh hàng hóa mà có phát sinh thuế tiêu thụ đặc biệt phải tuân theo. Bài viết sau đây, Luật và kế toán An Khang sẽ hướng dẫn cách kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tổng quan về Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)
Khái niệm thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo quy định chung của Luật Quản lý thuế năm 2019 và quy định chung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), có thể hiểu rằng, Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế được áp dụng đối với các mặt hàng có tính chất đặc biệt, như các loại hàng hóa xa xỉ, cồng kềnh, gây hại cho sức khỏe, môi trường, hoặc có khả năng gây gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Ví dụ như: các loại thuốc lá, rượu, bi, ô tô, xăng dầu,…
Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ nhằm mục đích thu ngân sách nhà nước mà còn là để hạn chế tiêu dùng và sản xuất các mặt hàng có hại đến sức khỏe và môi trường, đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có ích cho cộng đồng.
Đối tượng áp dụng thuế TTĐB
Các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây phải chịu thuế TTĐB:
- Hàng hóa:
- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
- Rượu;
- Bia;
- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
- Tàu bay, du thuyền;
- Xăng các loại, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng;
- Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
- Bài lá;
- Vàng mã, hàng mã.
- Dịch vụ:
- Kinh doanh vũ trường;
- Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
- Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
- Kinh doanh đặt cược;
- Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
- Kinh doanh xổ số.
Đối tượng nộp thuế TTĐB
Căn cứ Điều 4 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Kê khai thuế TTĐB
Việc nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo hàng tháng với thời gian nộp chậm nhất là vào ngày 20 của tháng tiếp theo đó. Với cách hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng lại thực hiện để bán trong nước thì phải khai theo từng lần phát sinh.
Kê khai thuế TTĐB theo tháng
Việc nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo hàng tháng với thời gian nộp chậm nhất là vào ngày 20 của tháng tiếp theo đó. Bộ hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ bao gồm tờ khai thuế và các bảng kiểm kê có liên quan dùng làm căn cứ để người nộp thuế tiến hành khai thuế, tính thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan Thuế. Bao gồm:
- Tờ khai thuế TTĐB theo mẫu số 01/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC;
- Bảng xác định thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có) theo mẫu số 01-2/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC;
- Bảng phân bổ thuế tiêu thụ đặc biệt theo địa bàn tỉnh, thành phố từ hoạt động kinh doanh xổ số (nếu có) theo mẫu số 01-3/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Trường hợp nộp hồ sơ bảng giấy: Người nộp thuế chuẩn bị hồ sơ, điền đầy đủ tờ khai thuế theo mẫu số 01/TTĐB theo quy định nêu trên, sau đó nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính tại trụ sở cơ quan thuế.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử: Người nộp thuế truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn (Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
- Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (sau đây gọi là Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);
- Cổng thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) để khai hồ sơ khai thuế và các phụ lục đính kèm theo quy định dưới dạng điện tử (nếu có), ký điện tử và gửi đến cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn.
Các trường hợp được miễn, giảm thuế TTĐB:
- Miễn thuế: Những hàng hóa thuộc trường hợp được quy định tại Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì được miễn thuế TTĐB.
“Điều 3. Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
- a) Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;
- b) Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;
- c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- d) Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật;
- Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch;
- Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;
- Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ”.
- Giảm thuế: Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
Kê khai thuế TTĐB theo lần phát sinh:
Đối với trường hợp hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng lại thực hiện để bán trong nước thì phải kê khai thuế theo từng lần phát sinh.
Hồ sơ khai thuế TTĐB theo từng lần phát sinh tương tự như hồ sơ khai thuế TTĐB theo tháng.
Nộp thuế TTĐB
Các hình thức nộp thuế TTĐB:
Theo quy định Điều 56 Luật Quản lý thuế 2019, Người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định sau đây:
- Kho bạc Nhà nước;
- Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
- Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;
- Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người nộp thuế có thể nộp thuế một trong hai hình thức sau đây:
- Một là, nộp thuế trực tiếp tại các địa điểm tại Điều 56 Luật Quản lý thuế 2019;
- Hai là, nộp thông qua phương thức điện tử, chuyển khoản.
Hướng dẫn nộp thuế TTĐB qua eTax:
Đăng ký tài khoản eTax:
- Tại màn hình Đăng nhập, người nộp thuế chọn chức năng [Đăng ký ngay], chọn Đăng ký tài khoản trong phần Cá nhân.
- Người nộp thuế điền thông tin đăng ký và gửi lên hệ thống.
- Sau khi nhận được mã kích hoạt trên hệ thống, ứng dụng sẽ tạo tài khoản và gửi cho người nộp thuế thông qua tin nhắn đến số điện thoại mà người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế.
Hướng dẫn người nộp thuế (NNT) qua ứng dụng eTax Mobile:
- Bước 1: Chọn menu Nộp thuế -> Nộp thuế. Hệ thống hiển thị màn hình nộp thuế theo điều kiện tra cứu: Chọn loại thuế thanh toán;
- Bước 2: Nhập điều kiện tra cứu:
– Chọn loại thuế thanh toán trong danh mục.
+ Nếu chọn: Thuế của cá nhân, người sử dụng nhấn Tra cứu.
+ Nếu chọn: Lệ phí trước bạ phương tiện thì người sử dụng bắt buộc phải nhập mã hồ sơ, sau đó nhấn Tra cứu.
– Hệ thống hiển thị kết quả tra cứu theo loại thuế thanh toán đã chọn.
- Bước 3: Trên danh sách kết quả tra cứu:
– Đối với Thuế của cá nhân: Người sử dụng tích chọn 1 hoặc nhiều khoản nộp của cùng 1 Cơ quan thuế, sau đó nhấn Tiếp tục. Hệ thống hiển thị màn hình thông tin chi tiết của khoản nộp.
– Đối với Lệ phí trước bạ phương tiện: Người sử dụng nhấn Tiếp tục. Hệ thống hiển thị màn hình thông tin chi tiết của khoản nộp.
- Bước 4: Chọn đơn vị thanh toán, sau đó nhấn Thanh toán. Hệ thống hiển thị màn hình đăng nhập tài khoản của đơn vị thanh toán người sử dụng đã chọn để thanh toán thuế.
Lưu ý khi nộp thuế TTĐB
Cá nhân tổ chức kinh doanh sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB phải lưu ý về thời gian kê khai cũng như là nộp thuế TTĐB, tránh bị cơ quan có thẩm quyền Xử phạt vi phạm hành chính về nghĩa vụ thuế.
Một số lưu ý, các vấn đề thường gặp và cách giải quyết:
Trong quá trình kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, vấn đề sai sót thường gặp nhất là người nộp thuế điền tờ khai thuế kê khai bị sai, thiếu thông tin hoặc chưa nộp đủ hồ sơ. Theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai sót.
Lưu ý, Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau (theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế TTĐB 2008, sửa đổi bổ sung 2014):
“Điều 8. Hoàn thuế, khấu trừ thuế
- Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:
- a) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu;
- b) Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;
- c) Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa;
- d) Có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này chỉ thực hiện đối với hàng thực tế xuất khẩu”.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin hướng dẫn về việc kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc nào về thủ tục kê khai, nộp thuế hoặc các vấn đề pháp lý liên quan khác cần Công ty Luật và kế toán An Khang hỗ trợ trực tiếp, vui lòng liên hệ đến hotline 0936.149.833 để hoặc truy cập vào website luatankhang.com để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!