Pháp Luật Kế Toán

Giải mã bảng cân đối kế toán: Hướng dẫn đọc hiểu và phân tích

Bảng cân đối kế toán là một phần quan trọng trong báo cáo tài chính. Vậy bảng cân đối kế toán là gì? Bao gồm những nội dung gì? Cách lập bảng cân đối kế toán thế nào? Cùng Luật và kế toán An Khang giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết.

Giới thiệu bảng cân đối kế toán

Khái niệm

Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính tổng hợp, nó là một bảng số liệu thể hiện toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp ở tại một thời điểm nhất định. Thông qua đó chúng ta có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Vai trò và tầm quan trọng của bảng cân đối kế toán trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Bảng cân đối kế toán có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Vai trò này thể hiện thông qua phần tài sản và phần nguồn vốn của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Giới thiệu về bảng cân đối kế toán
Giới thiệu về bảng cân đối kế toán

Thứ nhất, thông qua phần tài sản:

  • Bảng cân đối kế toán thể hiện giá trị tổng cộng của các tài sản mà doanh nghiệp đang nắm giữ vào thời điểm báo cáo. 
  • Thông tin về tài sản trong bảng cân đối này cho biết doanh nghiệp sở hữu tài sản ở dạng nào, từ hữu hình đến vô hình. Điều này cho phép doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về quy mô vốn cũng như cách thức phân bổ và sử dụng vốn hiện tại của mình hợp lý.

Thứ hai, thông qua phần nguồn vốn:

  • Bảng cân đối kế toán cho biết cơ cấu và quy mô của các nguồn vốn được huy động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Đồng thời, nó phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có tại thời điểm doanh nghiệp báo cáo. Từ đó giúp nắm rõ các khoản nợ và phạm vi trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ.

Nội dung của bảng cân đối kế toán theo quy định hiện hành

Căn cứ theo Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về hướng dẫn lập và trình bày bảng cân đối kế toán năm. Theo đó, các nội dung của bảng cân đối kế toán bao gồm:

Nội dung của bảng cân đối kế toán
Nội dung của bảng cân đối kế toán

Tài sản

Ở mục này sẽ phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp đến cuối kỳ kế toán. Nó bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

Tài sản ngắn hạn: Là tài sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của doanh nghiệp có thời hạn sử dụng, luân chuyển và thu hồi trong 01 năm hoặc một kỳ kinh doanh.

  • Vốn bằng tiền
  • Đầu tư ngắn hạn
  • Các khoản phải thu
  • Hàng tồn kho

Tài sản dài hạn: Là những tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, thuộc quyền sở hữu và quản lý của doanh nghiệp, có thời hạn sử dụng, luân chuyển trên 01 năm hoặc trong nhiều chu trình kinh doanh.

  • Nợ phải thu dài hạn
  • Tài sản cố định
  • Đầu tư xây dựng cơ bản dở dang
  • Đầu tư tài chính dài hạn

Nợ phải trả

Đây là tất cả các nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động, khách hàng…

  • Nợ ngắn hạn: Là những nghĩa vụ tài chính mà công ty phải trả trong vòng 01 năm hoặc một kỳ kinh doanh. Ví dụ như: Vốn chiếm dụng, các khoản phải trả người bán, người lao động,…
  • Nợ dài hạn: Là những nghĩa vụ tài chính mà công ty phải trả sau 01 năm hoặc trong thời gian hoạt động bình thường của công ty. Ví dụ: Vay dài hạn, nợ thuê tài chính

Vốn chủ sở hữu

Là nguồn vốn của chủ doanh nghiệp hoặc nguồn vốn góp của các cổ đông ngay từ đầu hoặc bổ sung trong quá trình hoạt động.

    • Vốn góp của chủ sở hữu
    • Quỹ đầu tư phát triển
  • Lợi nhuận chưa phân phối

Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán 

Theo Thông tư 161/2007/TT-BTC quy định về chuẩn mực chung trong kế toán. Theo đó, có các nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán bao gồm:

Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán
Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán

Nguyên tắc kế toán cơ bản

Nguyên tắc kế toán cơ bản có các nguyên tắc cụ thể:

Nguyên tắc thận trọng

Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

  • Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;
  • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
  • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
  • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.

Ví dụ: Công ty Cổ phần A bán hàng cho khách hàng với cam kết bảo hành trong vòng 12 tháng sẽ sửa chữa các lỗi phát sinh do nguyên nhân của Nhà cung cấp. Tại thời điểm bán hàng, Công ty đã phát sinh nghĩa vụ bảo hành và có khả năng phát sinh chi phí cho việc này. Theo đó, Công ty cần trích lập một khoản dự phòng cho việc bảo hành sản phẩm này.

Nguyên tắc phù hợp

Các khoản doanh thu và chi phí phải phù hợp nhau, nghĩa là khi ghi một khoản doanh thu thì đồng thời sẽ có một khoản chi phí bỏ ra tương ứng để có được khoản doanh thu đó.

Ví dụ 4: Vào tháng 12/2022, Công ty X mua 1 lô hàng với giá 400 triệu đồng. Đến tháng 3/2023, lô hàng này mới được bán cho khách hàng với giá bán là 490 triệu đồng. Như vậy khi ghi nhận doanh thu của tháng 3 là 490 triệu đồng thì công ty Y sẽ đồng thời ghi nhận giá vốn của lô hàng là 400 triệu đồng mà không ghi nhận ngay từ thời điểm mua vào.

Nguyên tắc kế toán đặc thù

Nói tới nguyên tắc kế toán đặc thù chúng ta hình dung đến nguyên tắc giá gốc lịch sử và nguyên tắc trọng yếu.

Nguyên tắc giá gốc lịch sử

Tức là tài sản của doanh nghiệp được ghi nhận theo giá gốc, nghĩa là số tiền đã trả, phải trả vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc này không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Ví dụ: Ngày 01/01/2022, Công ty Y mua một máy để kinh doanh, giá mua là 6 tỷ không gồm thuế giá trị gia tăng. Đến tháng 12 cùng năm thì giá máy tăng lên 7 tỷ. Theo nguyên tắc giá gốc lịch sử thì chiếc máy này vẫn được tính theo giá trị là 6 tỷ. 

Nguyên tắc trọng yếu

Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể dẫn đến sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính. 

Ví dụ: Định kỳ vào hàng tháng, Công ty Z sẽ xuất dùng các vật như thước, bút cho bộ phận và ước tính dùng trong 2 tháng. Tuy nhiên, việc ghi nhận này sẽ tốn thời gian trên bảng phân bổ và không trọng yếu. Do đó có thể ghi toàn bộ giá trị của các công cụ này vào chi phí khi xuất dùng.

Hướng dẫn lập bảng cân đối kế toán

Dưới đây là các bước cơ bản để lập bảng cân đối kế toán phù hợp với quy định tại Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC:

Hướng dẫn lập bảng cân đối kế toán
Hướng dẫn lập bảng cân đối kế toán

Bước 1: Xác định ngày lập bảng

Chọn ngày báo cáo cụ thể để xác định số liệu tài sản và nguồn vốn tại thời điểm đó. Thông thường, bảng cân đối kế toán được lập vào cuối kỳ kế toán (cuối tháng, quý hoặc năm).

Bước 2: Thu thập số liệu

Tập hợp các số liệu cần thiết từ hệ thống kế toán của doanh nghiệp. Bao gồm:

  • Các tài khoản tài sản (tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định,…)
  • Các tài khoản nguồn vốn (nợ phải trả, vốn chủ sở hữu)

Bước 3: Phân loại và tổng hợp số liệu

Phân loại các số liệu đã thu thập vào các mục phù hợp trong bảng cân đối kế toán:

  • Tài sản ngắn hạn: Bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác.
  • Tài sản dài hạn: Bao gồm tài sản cố định, các khoản đầu tư dài hạn và các tài sản dài hạn khác.
  • Nợ phải trả ngắn hạn: Bao gồm các khoản nợ đến hạn trong vòng một năm.
  • Nợ phải trả dài hạn: Bao gồm các khoản nợ có thời gian đáo hạn trên một năm.
  • Vốn chủ sở hữu: Bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, lợi nhuận giữ lại và các quỹ của doanh nghiệp.

Bước 4: Lập bảng cân đối kế toán

Sử dụng các số liệu đã phân loại để điền vào các mục tương ứng trong bảng cân đối kế toán theo mẫu quy định:

  • Cột tài sản: Điền các tài sản ngắn hạn và dài hạn vào các mục tương ứng.
  • Cột nguồn vốn: Điền các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu vào các mục tương ứng.

Bước 5: Kiểm tra và đối chiếu số liệu

Sau khi lập xong bảng cân đối kế toán, cần thực hiện kiểm tra và đối chiếu:

  • Kiểm tra tính chính xác: Đảm bảo rằng tổng tài sản bằng tổng nguồn vốn (nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu).
  • Đối chiếu với sổ sách: So sánh số liệu trên bảng cân đối với các sổ sách kế toán chi tiết để đảm bảo không có sai sót hoặc thiếu sót.
  • Đảm bảo tuân thủ: Đảm bảo bảng cân đối kế toán tuân thủ đúng các quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Ứng dụng của bảng cân đối kế toán

Đối với doanh nghiệp

Thông qua bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp có thể đánh giá tổng quan tài sản và nợ phải trả, phân tích khả năng thanh toán, giúp quản lý vốn hiệu quả. Đồng thời, nó giúp lập kế hoạch tài chính và đánh giá hiệu quả kinh doanh nhanh chóng và chính xác.

Đối với nhà đầu tư

Bảng cân đối kế toán giúp nhà đầu tư đánh giá được khả năng sinh lời và rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể đánh giá khả năng thanh toán nợ thông qua các chỉ số tài chính và đưa ra quyết định đầu tư, thoái vốn hợp lý.

Đối với cơ quan quản lý

Bảng cân đối kế toán giúp cơ quan quản lý đánh giá tuân thủ quy định về tài chính và kế toán của doanh nghiệp. Nó giúp giám sát hoạt động doanh nghiệp đặc biệt là đối với các công ty niêm yết công khai. Đồng thời, hỗ trợ trong thiết lập chính sách kinh tế và đánh giá rủi ro hệ thống để sớm có biện pháp phòng ngừa.

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về bảng cân đối kế toán để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về bảng cân đối kế toán hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 0936.149.833 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *