Vốn điều lệ của doanh nghiệp – chứng minh thế nào?
Vốn điều lệ là một vấn đề được nhiều chủ doanh nghiệp cân nhắc khi thành lập doanh nghiệp. Vậy vốn điều lệ là gì? Có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không? Bài viết này Luật An Khang sẽ giúp quý khách hàng giải quyết và làm rõ về việc chứng minh vốn điều lệ của doanh nghiệp như thế nào!
Vốn điều lệ là gì? Vai trò và ý nghĩa của vốn điều lệ
Theo khoản 34 điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập cty cổ phần.”
Đối với các doanh nghiệp, vốn điều lệ đóng vai trò vô cùng quan trọng:
- Vốn điều lệ là cơ sở nhằm xác định tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp của cổ đông, thành viên trong công ty. Từ đó giúp việc phân chia quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các cổ đông, thành viên trong công ty.
- Là cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
- Vốn điều lệ đồng thời cũng thể hiện cam kết trách nhiệm bằng tài sản của công ty với đối tác, khách hàng. Do đó, vốn điều lệ càng cao thì mức độ tin cậy của đối tác, khách hàng đối với doanh nghiệp càng lớn.
Vốn điều lệ ảnh hưởng thế nào đến các thủ tục sau khi thành lập công ty?
Vốn điều lệ quyết định mức đóng lệ phí môn bài sau khi thành lập công ty cũng như một số thủ tục khác liên quan đến kế toán.
Cụ thể, khoản 1, Điều 4, Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí môn bài như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỉ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, mức vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng tới mức lệ phí môn bài phải nộp của doanh nghiệp.
Xem thêm: Quy định mới nhất về thay đổi vốn điều lệ công ty hợp danh
Có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập công ty không?
Thực tế, pháp luật Việt Nam không có quy định yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam phải chứng minh vốn điều lệ khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Cơ quan thuế cũng không kiểm tra tiến độ góp vốn của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải góp đủ số vốn đã đăng ký trong thời hạn quy định và nếu phát sinh vấn đề hoặc xảy ra rủi ro thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ đã đăng ký.
Về cơ bản sẽ không cần chứng minh vốn điều lệ khi đăng ký thành lập công ty trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu vốn pháp định/ký quỹ thì mới phải chứng minh (có xác nhận của ngân hàng về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng đó). Tức là, vốn điều lệ do doanh nghiệp tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.
Cách chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp
Cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ của công ty
Không có cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ công ty. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đến giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ…
Tuy nhiên, cần lưu ý khi đăng ký vốn điều lệ quá cao, bởi lẽ, thực tế phần lớn doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký và kế toán sẽ hạch toán góp vốn bằng tiền mặt. Song vấn đề là khi cơ quan thuế kiểm tra và quỹ tiền mặt lớn nhưng chưa chi phí hết thì tiền đang ở đâu, ai giữ… doanh nghiệp sẽ bị phạt do góp không đủ vốn điều lệ.
Giấy tờ chứng minh góp vốn điều lệ bao gồm những gì?
Chủ sở hữu/thành viên/cổ đông sáng lập tham gia góp vốn điều lệ cần lưu giữ những giấy tờ như sau để chứng minh về phần vốn đã được góp:
- Điều lệ công ty;
- Biên lai thu tiền, chứng từ của tài sản đã được góp vốn, chứng từ về việc chuyển tiền thông qua ngân hàng;
- Sổ đăng ký của cổ đông/thành viên, nội dung trong tài liệu này cần phải ghi rõ về tỉ lệ của mức vốn được góp/số cổ phần/những loại tài sản đã được góp vốn;
- Giấy chứng nhận phần vốn góp; so với Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp đã thực hiện phát hành những tài liệu này đến các cổ đông/ thành viên, mặc dù thực tế những cổ đông/ thành viên đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp hay là chưa thì đối với tài liệu đó sẽ là căn cứ về pháp lý khá quan trọng nhằm xác định về số vốn được góp, nghĩa vụ và quyền của những thành viên/ cổ đông đối với doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp.
- Những tài liệu khác ở trong nội bộ của doanh nghiệp.
Lưu ý khi đăng ký vốn điều lệ thành lập công ty
Kê khai khống vốn điều lệ sẽ bị phạt thế nào?
Hành vi khai khống vốn điều lệ bị nghiêm cấm theo khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020.
Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định vi phạm về kê khai vốn điều lệ:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Như vậy, tùy vào giá trị vốn điều lệ kê khai khống sẽ có mức phạt tiền tương ứng nêu trên. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với từng hành vi.
Không góp đủ số vốn điều lệ đã cam kết sẽ gây hậu quả gì?
Chủ sở hữu/thành viên/cổ đông phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Vì vậy, doanh nghiệp nên lựa chọn mức vốn phù hợp, ví dụ:
- Chủ doanh nghiệp thành lập công ty lần đầu tiên, chưa có nhiều kinh điều hành và quản lý thì nên để số vốn điều lệ trên mức tối thiểu, không cần quá nhiều. Sau khi công ty có mức độ tăng trưởng ổn định có thể đăng ký tăng vốn điều lệ.
- Chủ doanh nghiệp đã có kinh mở và điều hành công ty thì có thể đăng ký số vốn điều lệ lớn để tạo dựng danh tiếng.
Kết luận
Trên đây là nội dung là công ty Luật An Khang muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ qua Hotline để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!