Tính thuế tài nguyên: Những điều doanh nghiệp cần biết để tránh sai sót
Việc tính toán và nộp thuế tài nguyên là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên. Để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh những sai sót không đáng có, các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định và thủ tục liên quan đến tính thuế tài nguyên. Dưới đây là bài viết của Luật và kế toán An Khang.
Giới thiệu
Thuế tài nguyên là một công cụ quan trọng trong việc quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thuế này không chỉ tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn giúp điều tiết hoạt động khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và khuyến khích việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết và chính xác về cách tính thuế tài nguyên.
Khái niệm thuế tài nguyên
Theo quy định của hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, thuế tài nguyên là một loại thuế gián thu.
Thuế tài nguyên là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm khoáng sản, nước, rừng, và các loại tài nguyên khác từ môi trường tự nhiên. Mục tiêu của thuế này là điều tiết việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, bảo vệ môi trường và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thuế tài nguyên năm 2009
- Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về Thuế tài nguyên
- Nghị định 160/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ và các nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tài Nguyên
Cách tính thuế tài nguyên cho từng loại tài nguyên
Căn cứ Điều 4 Thông tư 152 /2015/TT-BTC thì căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên.
Theo đó, số tiền thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ được tính theo công thức sau đây:
Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên
Trường hợp được cơ quan nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế tài nguyên phải nộp được xác định như sau:
Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác
Trong đó:
- Sản lượng tài nguyên tính thuế là tổng số lượng, trọng lượng, khối lượng tài nguyên được tính trực tiếp hoặc được tính dựa trên quy đổi.
- Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định
- Khung thuế suất thuế tài nguyên được quy định tại Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13.
Thuế tài nguyên khoáng sản
Dựa theo công thức chung tính thuế tài nguyên được quy định tại Điều 4 Thông tư 152 /2015/TT-BTC thì công thức tính thuế tài nguyên khoáng sản được xác định như sau:
Thuế tài nguyên khoáng sản = Sản lượng tài nguyên khoáng sản tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản
Sản lượng tài nguyên khoáng sản tính thuế được quy định tại Điều 5 Thông tư 152/2015 như sau:
– Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.
Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.
– Đối với tài nguyên không xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế của tài nguyên khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau và được bán ra sau khi sàng tuyển, phân loại thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:
+ Đối với tài nguyên sau khi sàng tuyển, phân loại thu được từng chất riêng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng loại tài nguyên hoặc từng chất có trong tài nguyên thu được sau khi sàng tuyển, phân loại .
Trường hợp đất, đá, phế thải, bã xít thu được qua sàng tuyển mà bán ra thì phải nộp thuế tài nguyên đối với lượng tài nguyên có trong phế thải, bã xít bán ra theo giá bán và thuế suất tương ứng của tài nguyên có trong phế thải, bã xít.
Ví dụ: Trường hợp than khai thác từ mỏ chứa tạp chất, đất, đá phải sàng tuyển, phân loại mới bán thì sản lượng than thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên là sản lượng than đã qua sàng tuyển, phân loại. Trường hợp phế thải bán ra mà có lẫn than và các tài nguyên khác thì phải tính thuế tài nguyên đối với lượng tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế trong phế thải theo giá bán thực tế và thuế suất tương ứng đối với tài nguyên.
+ Đối với tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau (quặng đa kim) qua sàng, tuyển, phân loại mà không xác định được sản lượng từng chất có trong tài nguyên khai thác (quặng) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định đối với từng chất căn cứ sản lượng tài nguyên thực tế khai thác (quặng) và tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên.
Tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên được xác định theo mẫu tài nguyên khai thác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định và phê duyệt. Trường hợp, tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế khác với tỷ lệ từng chất có trong mẫu tài nguyên (quặng) thì sản lượng tính thuế được xác định căn cứ kết quả kiểm định về tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ: Doanh nghiệp B khai thác tài nguyên, sản lượng quặng khai thác trong tháng là 1000 tấn, trong quặng có lẫn nhiều chất khác nhau. Theo Giấy phép khai thác và tỷ lệ từng chất có trong mẫu quặng đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia phê duyệt là: quặng đồng: 60%; quặng bạc: 0,2%; quặng thiếc: 0,5%.
Sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định như sau:
- Quặng đồng: 1.000 tấn x 60% = 600 tấn.
- Quặng bạc : 1.000 tấn x 0,2% = 2 tấn.
- Quặng thiếc: 1.000 tấn x 0,5% = 5 tấn
– Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:
Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.
Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do NNT kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:
+ Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.
+ Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp sản xuất bán ra.
Ví dụ: Khai thác than đá
- Sản lượng khai thác thực tế: 1000 tấn than đá.
- Giá tính thuế tài nguyên: 500.000 đồng/tấn.
- Thuế suất: 10%.
Áp dụng công thức ta có thuế tài nguyên nộp trong kỳ = 1000 tấn x 500.000 x 10% = 50.000.000 đồng
Thuế tài nguyên dầu khí
Thuế tài nguyên dầu khí phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên
Sản lượng tài nguyên dầu khí:
Là khối lượng dầu thô hoặc khí tự nhiên thực tế được khai thác, đo lường bằng thùng (barrel) hoặc mét khối (m³).
Giá tính thuế đơn vị tài nguyên:
Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thì giá tính thuế là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.
Mức thuế suất:
Thuế suất cụ thể đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than khai thác bình quân mỗi ngày.
Chẳng hạn đối với tài nguyên khai thác là dầu thô, khí thiên nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên được xác định tùy thuộc vào các điều kiện địa lý, kinh tế kỹ thuật của mỏ và mức sản lượng dầu thô hoặc khí thiên nhiên. Tại Điều 44, 45 Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dầu khí có quy định về mức thuế suất thuế tài nguyên:
Ví dụ: Khai thác Dầu Thô
- Sản lượng khai thác thực tế: 5000 thùng dầu thô/ngày (thuộc dự án khác)
- Giá tính thuế tài nguyên: 1.000.000 đồng/thùng.
- Thuế suất: 0%.
Thuế tài nguyên dầu thô phải nộp = 5000 x 1.000.000 x 10% = 500.000.000 đồng Thuế
Thuế tài nguyên nước
Dựa theo công thức chung tính thuế tài nguyên ta có:
Thuế tài nguyên nước = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên
Sản lượng tài nguyên tính thuế:
– Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.
– Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.
Người nộp thuế phải lắp đặt thiết bị đo đếm sản lượng nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác để làm căn cứ tính thuế. Thiết bị lắp đặt phải có giấy kiểm định của cơ quan quản lý đo lường chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam và thông báo lần đầu với cơ quan thuế kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên trong kỳ khai thuế gần nhất kể từ ngày lắp đặt xong thiết bị.
Trường hợp do điều kiện khách quan không thể lắp đặt được thiết bị đo đếm sản lượng nước khai thác sử dụng và không trực tiếp xác định được sản lượng tính thuế thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo kỳ tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư 152 /2015/TT-BTC.
Giá tính thuế tài nguyên:
– Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân.
Giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên đối với các cơ sở sản xuất thủy điện được xác định theo giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương quyết định.
– Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh mà không có giá bán ra thì giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định
Thuế suất thuế tài nguyên:
Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên khai thác, sử dụng trong một số trường hợp được xác định như sau:
– Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp (kể cả đóng bình, đóng thùng có thể chiết ra thành chai, thành hộp) đều áp dụng cùng mức thuế suất thuế tài nguyên như loại được đóng chai, đóng hộp;
– Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất kinh doanh có lẫn nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên mà theo hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt xác định không thuộc diện sản xuất kinh doanh sản phẩm nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp thì áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên theo mục đích sử dụng tương ứng.
Ví dụ: Khai thác Nước Khoáng thiên nhiên
- Sản lượng khai thác thực tế: 500 mét khối nước khoáng.
- Giá tính thuế tài nguyên: 10.000 đồng/mét khối.
- Thuế suất: 10%.
Thuế tài nguyên nước khoáng phải nộp = 500 x 10.000 x 10% = 500.000 đồng
Biểu thuế suất thuế tài nguyên
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 152/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 12/2016/TT-BTC như sau:
Thuế suất thuế tài nguyên
“1. Thuế suất thuế tài nguyên làm căn cứ tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên khai thác được quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)”
Theo đó, biểu mức thuế suất thuế tài nguyên được áp dụng hiện nay là biểu mức được ban hành kèm theo Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13.
STT | Nhóm, loại tài nguyên | Thuế suất (%) |
I | Khoáng sản kim loại | |
1 | Sắt | 14 |
2 | Măng-gan | 14 |
3 | Ti-tan (titan) | 18 |
4 | Vàng | 17 |
5 | Đất hiếm | 18 |
6 | Bạch kim, bạc, thiếc | 12 |
7 | Vôn-phờ-ram (wolfram), ăng-ti-moan (antimoan) | 20 |
8 | Chì, kẽm | 15 |
9 | Nhôm, Bô-xít (bouxite) | 12 |
10 | Đồng | 15 |
11 | Ni-ken (niken) | 10 |
12 | Cô-ban (coban), mô-lip-đen (molipden), thủy ngân, ma-nhê (magie), va-na-đi (vanadi) | 15 |
13 | Khoáng sản kim loại khác | 15 |
II | Khoáng sản không kim loại | |
1 | Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình | 7 |
2 | Đá, sỏi | 10 |
3 | Đá nung vôi và sản xuất xi măng | 10 |
4 | Đá hoa trắng | 15 |
5 | Cát | 15 |
6 | Cát làm thủy tinh | 15 |
7 | Đất làm gạch | 15 |
8 | Gờ-ra-nít (granite) | 15 |
9 | Sét chịu lửa | 13 |
10 | Đô-lô-mít (dolomite), quắc-zít (quartzite) | 15 |
11 | Cao lanh | 13 |
12 | Mi-ca (mica), thạch anh kỹ thuật | 13 |
13 | Pi-rít (pirite), phốt-pho-rít (phosphorite) | 10 |
14 | A-pa-tít (apatit) | 8 |
15 | Séc-păng-tin (secpentin) | 6 |
16 | Than an-tra-xít (antraxit) hầm lò | 10 |
17 | Than an-tra-xít (antraxit) lộ thiên | 12 |
18 | Than nâu, than mỡ | 12 |
19 | Than khác | 10 |
20 | Kim cương, ru-bi (rubi), sa-phia (sapphire) | 27 |
21 | E-mô-rốt (emerald), a-lếch-xan-đờ-rít (alexandrite), ô-pan (opan) quý màu đen | 25 |
22 | A-dít, rô-đô-lít (rodolite), py-rốp (pyrope), bê-rin (berin), sờ-pi-nen (spinen), tô-paz (topaz) | 18 |
23 | Thạch anh tinh thể màu tím xanh, vàng lục, da cam; cờ-ri-ô-lít (cryolite); ô-pan (opan) quý màu trắng, đỏ lửa; phen-sờ-phát (fenspat); birusa; nê-phờ-rít (nefrite) | 18 |
24 | Khoáng sản không kim loại khác | 10 |
III | Sản phẩm của rừng tự nhiên | |
1 | Gỗ nhóm I | 35 |
2 | Gỗ nhóm II | 30 |
3 | Gỗ nhóm III | 20 |
4 | Gỗ nhóm IV | 18 |
5 | Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác | 12 |
6 | Cành, ngọn, gốc, rễ | 10 |
7 | Củi | 5 |
8 | Tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô | 10 |
9 | Trầm hương, kỳ nam | 25 |
10 | Hồi, quế, sa nhân, thảo quả | 10 |
11 | Sản phẩm khác của rừng tự nhiên | 5 |
IV | Hải sản tự nhiên | |
1 | Ngọc trai, bào ngư, hải sâm | 10 |
2 | Hải sản tự nhiên khác | 2 |
V | Nước thiên nhiên | |
1 | Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp | 10 |
2 | Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện | 5 |
3 | Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh, trừ nước quy định tại Điểm 1 và Điểm 2 Nhóm này | |
3.1 | Sử dụng nước mặt | |
a | Dùng cho sản xuất nước sạch | 1 |
b | Dùng cho Mục đích khác | 3 |
3.2 | Sử dụng nước dưới đất | |
a | Dùng cho sản xuất nước sạch | 5 |
b | Dùng cho Mục đích khác | 8 |
VI | Yến sào thiên nhiên | 20 |
VII | Tài nguyên khác | 10 |
- Biểu mức thuế suất đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than:
STT | Sản lượng khai thác | Thuế suất (%) | |
Dự án khuyến khích đầu tư | Dự án khác | ||
I | Đối với dầu thô | ||
1 | Đến 20.000 thùng/ngày | 7 | 10 |
2 | Trên 20.000 thùng đến 50.000 thùng/ngày | 9 | 12 |
3 | Trên 50.000 thùng đến 75.000 thùng/ngày | 11 | 14 |
4 | Trên 75.000 thùng đến 100.000 thùng/ngày | 13 | 19 |
5 | Trên 100.000 thùng đến 150.000 thùng/ngày | 18 | 24 |
6 | Trên 150.000 thùng/ngày | 23 | 29 |
II | Đối với khí thiên nhiên, khí than | ||
1 | Đến 5 triệu m3/ngày | 1 | 2 |
2 | Trên 5 triệu m3 đến 10 triệu m3/ngày | 3 | 5 |
3 | Trên 10 triệu m3/ngày | 6 | 10 |
Tra cứu biểu thuế suất tài nguyên là một bước quan trọng để tính toán thuế tài nguyên một cách chính xác. Dưới đây là các bước cụ thể để tra cứu biểu thuế suất:
Tra cứu trực tiếp tại cơ quan thuế
- Đến cơ quan thuế địa phương: Bạn có thể trực tiếp đến cơ quan thuế địa phương để hỏi về các mức thuế suất tài nguyên.
- Yêu cầu thông tin: Hỏi nhân viên thuế về các mức thuế suất tài nguyên hiện hành và cách tính thuế cho từng loại tài nguyên cụ thể.
Tra cứu qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
- Truy cập website của Tổng cục Thuế: Đi tới Trang chủ của Tổng cục Thuế.
- Tìm kiếm mục tra cứu biểu thuế: Trên trang chủ, bạn sẽ thấy các mục như “Thuế suất”, “Biểu thuế”, hoặc “Tra cứu thông tin”.
- Chọn loại thuế cần tra cứu: Tìm và chọn loại thuế tài nguyên mà bạn cần tra cứu thông tin.
Tra cứu qua hệ thống pháp luật điện tử
- Truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật: Đi tới Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.
- Tìm kiếm Luật Thuế Tài Nguyên: Nhập từ khóa “Luật Thuế Tài Nguyên” vào thanh tìm kiếm.
- Xem các văn bản hướng dẫn: Tìm và đọc các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Thuế Tài Nguyên.
Các trường hợp đặc biệt
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc xác định giá tính thuế có thể không theo phương pháp thông thường. Dưới đây là các trường hợp đặc biệt:
Giá tính thuế tài nguyên đối với loại tài nguyên không xác định được giá bán đơn vị tài nguyên khai thác do có chứa nhiều chất khác nhau
Giá tính thuế là giá bán đơn vị tài nguyên của từng chất, được xác định căn cứ tổng doanh thu bán tài nguyên trong tháng (chưa có thuế GTGT) tính cho từng chất có trong tài nguyên khai thác theo tỷ lệ hàm lượng của từng chất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm phê duyệt và sản lượng tài nguyên bán ra ghi trên chứng từ bán hàng tương ứng với từng chất.
Ví dụ: Doanh nghiệp E khai thác 1.000 tấn quặng, tỷ lệ từng chất có trong mẫu quặng đã được kiểm định là: đồng: 60%; bạc: 0,2%; thiếc: 0,5%.
Sản lượng tài nguyên tính thuế của từng chất được xác định như sau:
– Đồng: 1.000 tấn x 60% = 600 tấn.
– Bạc: 1.000 tấn x 0,2% = 2 tấn.
– Thiếc: 1.000 tấn x 0,5% = 5 tấn
Trong tháng, Doanh nghiệp bán 600 tấn quặng, doanh thu 900 triệu đồng. Giá tính thuế được xác định đối với từng chất có trong quặng như sau:
– Doanh thu đối với lượng Đồng bán ra trong tháng: 900tr x 60% = 540 tr
– Giá tính thuế đối với Đồng (tr/tấn): 540tr / 360 tấn
– Khi khai, nộp thuế tài nguyên, đơn vị phải khai, nộp thuế đối với cả 600 tấn quặng đồng với giá tính thuế (như nêu trên) với thuế suất tương ứng.
Đối với tài nguyên khai thác phải qua sản sản xuất, chế biến mới được bán ra (bán quốc nội hoặc xuất khẩu)
Trong trường hợp bán ra sản phẩm là tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán đơn vị (bán trong nước) tương ứng với sản lượng sản phẩm bán ra ghi trên chứng từ hoặc trí giá hải quan (xuất khẩu) không bao gồm thuế, và tương ứng với sản lượng xuất khẩu ghi trên chứng từ xuất khẩu nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND quy định.
Trong trường hợp sản phẩm công nghiệp bán ra thì giá tính thuế là giá sản phẩm trừ chi phí chế biến phát sinh của công đoạn chế biến nhưng không được thấp hơn giá tính thuế do UBND quy định.
Các ưu đãi, giảm trừ thuế tài nguyên (nếu có)
Căn cứ theo Điều 9 Luật thuế Tài nguyên 2009 (được sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật số 71/2014/QH13 và được hướng dẫn bời Điều 10, Điều 11 Thông tư 152/2015/TT-BTC), miễn, giảm thuế đối với thuế tài nguyên được quy định như sau:
– Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.
– Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.
– Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.
– Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
– Miễn thuế đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.
– Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.
Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; Trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định.
– Trường hợp khác được miễn, giảm thuế do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Trường hợp khác được miễn, giảm thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết luận
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về cách tính thuế tài nguyên mới nhất trong năm 2024. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi.