Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh: Khái niệm, phân loại và quy định pháp luật
Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có được không? Có những loại nhãn hiệu âm thanh nào? Cần thoả mãn những điều kiện gì? Thủ tục đăng ký nhãn hiệu âm thanh như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ chia sẻ quy định pháp luật về vấn đề này.
Giới thiệu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Khái niệm nhãn hiệu âm thanh
Nhãn hiệu âm thanh là gì? Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, nhận biết bằng thính giác, có thể do tổ hợp các đơn âm hoặc thang âm cấu thành, dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu âm thanh có thể bao gồm: những âm thanh là âm nhạc, âm nhạc này có thể là đã tồn tại từ trước, cũng có thể là được sáng tác mới để phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu hoặc những âm thanh không phải là âm nhạc đang tồn tại trong tự nhiên (ví dụ: như tiếng kêu của các con vật hoặc những âm thanh được tạo ra bởi những những đặc tính địa lý hoặc khí tượng học) hoặc những âm thanh được tạo ra bởi các thiết bị, máy móc hoặc những phương tiện do con người tạo ra.
Tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với bản thân chủ thể đăng ký, Nhà nước và người dùng. Cụ thể:
- Đối với Nhà nước: Hình thức bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là công cụ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu âm thanh đối với sản phẩm dịch vụ của họ. Ngoài ra, nó tạo ra cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
- Đối với chủ thể kinh doanh: Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh giúp đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu độc đáo, khác biệt, dễ dàng nhận biết trên đối với người tiêu dùng trên thị trường, tạo dựng uy tín và hình ảnh của một thương hiệu của chủ thể kinh doanh.
- Đối với người tiêu dùng: Giúp khách hàng có thể có nhiều sự lựa chọn đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các chủ thể kinh doanh qua nhiều hình thức cảm nhận bằng thị giác, hay bằng thính giác. Đồng thời giúp dễ dàng phân biệt được các loại hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Phân loại nhãn hiệu âm thanh
Dựa theo cấu tạo chúng ta có thể phân loại nhãn hiệu âm thanh thành các dạng: Nhãn hiệu âm thanh đơn âm, nhãn hiệu âm thanh đa âm và nhãn hiệu âm nhạc. Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng.

Nhãn hiệu âm thanh đơn âm
Đây là nhãn hiệu âm thanh bao gồm một âm thanh đơn lẻ, không có sự pha trộn hoặc kết hợp với các âm thanh khác. Ví dụ: Tiếng chuông của một chiếc đồng hồ, âm thanh “click” của bật lửa hay tiếng còi của một loại xe cụ thể.
Ưu điểm của loại nhãn hiệu này là: Đơn giản và dễ nhận biết; Dễ dàng đăng ký và bảo hộ do ít thành phần cần phải mô tả.
Nhưng nhược điểm của nó là có thể không truyền tải được nhiều thông điệp hoặc cảm xúc phức tạp. Ngoài ra vì khá đơn giản nên dễ dàng bị sao chép hoặc nhầm lẫn với âm thanh tương tự khác.
Nhãn hiệu âm thanh đa âm
Là nhãn hiệu âm thanh bao gồm sự kết hợp của nhiều âm thanh, có thể là các nốt nhạc, hiệu ứng âm thanh hoặc các âm thanh khác nhau được phát liên tiếp hoặc cùng lúc. Ví dụ: Âm thanh khởi động của một máy tính, giai điệu báo hiệu của một sản phẩm điện tử, tiếng gầm của một loại xe thể thao.
Ưu điểm: Do kết hợp nhiều âm thanh giúp tạo ra những hiệu ứng phức tạp và đa dạng hơn. Âm thanh đa âm có thể truyền tải nhiều thông điệp, cảm xúc và nhận diện thương hiệu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, sự phức tạp của âm thanh có thể làm cho việc nhận biết và ghi nhớ trở nên khó khăn hơn. Quy trình đăng ký có thể phức tạp hơn do cần mô tả và chứng minh bảo hộ cho nhiều thành phần âm thanh.
Nhãn hiệu âm nhạc
Là nhãn hiệu âm thanh bao gồm một đoạn nhạc hoặc giai điệu cụ thể, thường là một đoạn ngắn dễ nhớ. Ví dụ: Giai điệu ngắn trong chương trình truyền hình, âm nhạc trong các quảng cáo.
Giai điệu âm nhạc thường dễ nhớ và có khả năng gây ấn tượng mạnh, có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh mẽ, giúp thương hiệu tạo liên kết cảm xúc với người nghe. Nhưng việc sáng tạo và sản xuất nhãn hiệu âm nhạc có thể tốn kém hơn. Ngoài ra, việc sử dụng âm nhạc có thể gặp rủi ro về bản quyền nếu không được bảo hộ hoặc đã có nhãn hiệu tương tự.
Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì điều kiện bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam cần thoả mãn bao gồm:

Thứ nhất, là dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa
Dạng đồ họa dưới đây có thể là hình dạng các khuông nhạc thể hiện các nốt nhạc, sóng âm (sonogram). Kèm theo đó là mô tả chi tiết bằng văn bản về đoạn âm thanh này.
Ví dụ: Cách phát âm của nhãn hiệu âm thanh là cụm từ “hello hello kugou”, sử dụng nhịp bốn bốn (mỗi phần âm nhạc gồm bốn nhịp, và mỗi nhịp là một nốt) trên khóa Sol. Nhãn hiệu gồm hai phần, phần đầu là nhạc có kết hợp âm từ, phần sau chỉ có phần âm nhạc
Thứ hai, có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác
Người tiêu dùng thông thường phải coi dấu hiệu âm thanh đó như một dấu hiệu để nhận biết được nguồn gốc sản phẩm. Cần so sánh dấu hiệu đó với các dấu hiệu đã có trước xem hai dấu hiệu có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau không.
Thứ ba, không thuộc trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu
Các trường hợp không được bảo hộ được quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022. Ví dụ: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca” thì sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu âm thanh
Để đăng ký nhãn hiệu âm thanh, chúng ta thực hiện lần lượt theo trình tự như sau:

Nộp đơn đăng ký
Theo Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì đơn đăng ký bảo hộ dấu hiệu âm thanh cần có đầy đủ các nội dung sau:
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
- Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.
- Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Bạn cần lưu ý rằng mẫu nhãn hiệu âm thanh phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa.
Trình tự thực hiện
Khi đã chuẩn bị đơn đăng ký như trên thì chúng ta thực hiện các bước lần lượt:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Các cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến một trong các cơ quan:
- Trụ sở Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Hà Nội
- Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh
- Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng
Đơn đăng ký được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Khi nhận được đơn, cơ quan này kiểm tra tài liệu đơn và đối chiếu với danh mục tài liệu ghi trong tờ khai.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn.
Bước 3: Công bố đơn hợp lệ
Mọi đơn được chấp nhận hợp lệ đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố đơn.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Đơn có sửa đổi sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ thuộc các trường hợp theo Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP thì phải thẩm định lại.
Bước 6: Đăng bạ và công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ
02 tháng kể từ ngày ra quyết định, sau khi người nộp đơn đã nộp lệ phí công bố theo quy định. Cục sở hữu trí tuệ sẽ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp về việc cấp văn bằng bảo hộ.
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu âm thanh
Cũng như các dạng nhãn hiệu khác, chủ sở hữu nhãn hiệu âm thanh có quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu âm thanh của mình. Trong đó có quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, yêu cầu bất kỳ người nào xâm phạm quyền thương hiệu của mình để dứt hành vi xâm phạm và yêu cầu đối với bất kỳ thiệt hại nào.

Đồng thời, chủ sở hữu cũng phải thực hiện nghĩa vụ đối với âm thanh mình đăng ký bảo hộ. Chủ sở hữu phải bảo vệ nhãn hiệu đó. Nghĩa là có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu âm thanh đã đăng ký.
Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên, khi có một bên thứ ba yêu cầu chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà chủ sở hữu không đưa ra được lý do chính đáng thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực. Trừ trường hợp việc sử dụng đó đã được bắt đầu hoặc đã bắt đầu lại trước ít nhất là 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
Ví dụ về nhãn hiệu âm thanh nổi tiếng
Nhãn hiệu âm thanh của các thương hiệu lớn trên thế giới

- Nokia: Nokia Tune. Một giai điệu ngắn và dễ nhớ, được trích từ bản nhạc “Gran Vals” của Francisco Tárrega, được sử dụng trong các điện thoại di động của Nokia.
- Intel: Intel Inside. Một đoạn nhạc gồm năm nốt, được sử dụng trong các quảng cáo và sản phẩm của Intel để nhận diện thương hiệu.
- Apple: Âm thanh khởi động của Mac. Một âm thanh đặc trưng phát ra khi một máy tính Mac khởi động.
Nhãn hiệu âm thanh của các thương hiệu Việt Nam
- Viettel: Giai điệu trong các quảng cáo. Một đoạn nhạc ngắn, thường kèm theo câu khẩu hiệu “Hãy nói theo cách của bạn”.
- Vinamilk: Jingle trong các quảng cáo sữa. Một giai điệu ngắn và vui tươi, được sử dụng trong các quảng cáo sản phẩm sữa của Vinamilk.
Kết luận
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh để bản đọc tham khảo. Qua đó giúp bạn hiểu rõ về điều kiện để âm thanh được bảo hộ dạng nhãn hiệu cũng như thủ tục để đăng ký đối với loại nhãn hiệu này. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 076.9063.686 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!