Bảo Hộ Nhãn Hiệu

Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu: Hướng dẫn chi tiết từ A tới Z

Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là hoạt động khá phổ biến trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay. Vậy việc chuyển nhượng nhãn hiệu có ý nghĩa gì? Chuyển nhượng như thế nào? Thủ tục thực hiện? Bài viết dưới đây của Luật và kế toán An Khang sẽ hướng dẫn chi tiết vấn đề này.

Giới thiệu về chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Tầm quan trọng của việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hay sang nhượng nhãn hiệu hay mua bán nhãn hiệu đều ý nói tới chuyển quyền từ chủ sở hữu sang cho một chủ thể khác. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể:

Giới thiệu về chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Giới thiệu về chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
  • Tăng giá trị của doanh nghiệp: Bên chuyển nhượng thu được khoản tài chính nhất định. Còn bên nhận quyền có thể sử dụng nhãn hiệu để tăng cường vị thế, nhận diện thương hiệu trên thị trường mà không tốn thời gian để xây dựng lại từ đầu.
  • Tối ưu hoá chiến lược kinh doanh: Việc nhượng quyền nhãn hiệu một cách hợp lý giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng tài sản trí tuệ của mình. Đồng thời doanh nghiệp có thể tập trung vào phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.

Khái niệm chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Theo khoản 1 Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Mà tại khoản 4 Điều 4 Luật này thì quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, có thể hiểu rằng, chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là việc chủ sở hữu ban đầu chuyển giao quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình cho chủ sở hữu mới. Đây là một thỏa thuận phổ biến được nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện. Việc chuyển nhượng phải được thực hiện bằng hợp đồng chuyển nhượng.

Các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu có thể chia thành:

Các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
  • Chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu: Chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhãn hiệu cho bên nhận chuyển nhượng.
  • Chuyển nhượng một phần quyền sở hữu nhãn hiệu: Chủ sở hữu chỉ chuyển một phần quyền của mình cho bên nhận chuyển nhượng. Nghĩa là bên nhận có thể sử dụng nhãn hiệu trong phạm vi, thời gian hoặc khu vực cụ thể.
  • Chuyển nhượng có điều kiện: Việc chuyển nhượng có kèm theo các điều kiện cụ thể mà bên nhận chuyển nhượng cần đáp ứng.
  • Chuyển nhượng không có điều kiện: Mua bán nhãn hiệu không kèm theo bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Bên nhận chuyển nhượng có toàn quyền sử dụng, khai thác và bảo vệ nhãn hiệu.

Điều kiện chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Theo Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì để nhượng quyền nhãn hiệu cần thoả mãn các điều kiện dưới đây:

Điều kiện chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Điều kiện chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
  • Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. Tức là nhãn hiệu muốn chuyển nhượng phải là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật. Nếu nhãn hiệu chưa được đăng ký bảo hộ thì không thể làm thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu.
  • Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Bên nhận chuyển nhượng phải là tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Mặt khác, theo Điều 148 Luật này thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Như vậy, điều kiện chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, không thuộc các trường hợp bị cấm chuyển nhượng và có hợp đồng chuyển nhượng đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Bên nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu dù là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần cũng đều phải đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng nêu trên. Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu được quy định tại Điều 58 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, theo đó trình tự thực hiện như sau:

Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

  • Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định);
  • 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
  • Bản gốc văn bằng bảo hộ trong trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
  • Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);
  • Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:
    • Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng theo quy định;
    • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định;

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định.

Nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ

Sau khi chuẩn bị đơn đầy đủ như trên thì tiến hành nộp đơn theo một trong hai hình thức dưới đây:

  • Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ. 
  • Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thẩm định hồ sơ

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu không có các thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:

  • Ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
  • Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
  • Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp;
  • Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
  • Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bị coi là có thiếu sót nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tờ khai không hợp lệ;
  • Thiếu một trong các tài liệu trong danh mục tài liệu phải có;
  • Văn bản ủy quyền không hợp lệ;
  • Bản sao hợp đồng không được xác nhận hợp lệ;
  • Tên, địa chỉ của bên chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với các thông tin tương ứng trong văn bằng bảo hộ hoặc trong hợp đồng là căn cứ phát sinh quyền chuyển giao, văn bản ủy quyền, tờ khai; tên, địa chỉ của bên được chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với tên, địa chỉ ghi trong văn bản ủy quyền, tờ khai;
  • Hợp đồng không có đủ chữ ký (và con dấu, nếu có) của bên chuyển giao và bên được chuyển giao;
  • Bên chuyển nhượng không phải là chủ văn bằng bảo hộ;
  • Đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan không còn trong thời hạn hiệu lực bảo hộ hoặc đang có tranh chấp;
  • Hợp đồng chuyển giao thiếu các nội dung phải có theo quy định;
  • Hợp đồng có nội dung không phù hợp với quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hoặc có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định;
  • Có căn cứ để khẳng định rằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của bên thứ ba.

Cấp giấy chứng nhận chuyển nhượng

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận chuyển nhượng theo quy định.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Theo Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cần có các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng;
  • Giá chuyển nhượng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Ngoài các nội dung trên thì hai bên có thể thoả thuận đưa thêm vào hợp đồng các nội dung khác. Các nội dung đưa thêm không được trái với quy định pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu dưới đây của chúng tôi:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–

……., ngày …tháng… năm 2021

HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG NHÃN HIỆU

Số: ……………………/HĐCNNH

Hôm nay, ngày ………. tháng ……… năm …… Tại ………………………. Chúng tôi gồm:

BÊN CHUYỂN NHƯỢNG (BÊN A): ………………………………………………………

Họ và tên/Tên tổ chức: 

Trụ sở chính :
Điện thoại :

Tài khoản số :

Đại diện là :

Chức vụ :

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:

Theo giấy uỷ quyền số (nếu có):

(Trong trường hợp có đồng chủ sở hữu thì phải kèm theo thoả thuận uỷ quyền bằng văn bản thể hiện ý chí chung của tất cả các đồng chủ sở hữu cho người đại diện ký hợp đồng). 

BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG (BÊN B):

Họ và tên/Tên tổ chức: 

Trụ sở chính :

Điện thoại :

Mã số thuế :

Tài khoản số :

Đại diện là :

Chức vụ :

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:

Theo giấy uỷ quyền số (nếu có):

ĐIỀU 1: CĂN CỨ CHUYỂN NHƯỢNG (1)

Bên chuyển nhượng là chủ sở hữu hợp pháp tại Việt Nam các nhãn hiệu đang được bảo hộ theo các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng dưới đây:

TT Tên đối tượng Số GCN Ngày cấp Nhóm sản phẩm
1
2
3
4

Bên chuyển nhượng chuyển nhượng cho Bên nhận chuyển nhượng quyền sở hữu các nhãn hiệu nêu trên cho việc sản xuất các sản phẩm/dịch vụ đang được bảo hộ theo các Giấy chứng nhận tương ứng.

ĐIỀU 2: PHẠM VI CHUYỂN NHƯỢNG

  1. Bên chuyển nhượng cam kết mình là chủ hợp pháp các nhãn hiệu nêu trên và bằng Hợp đồng này chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu và các quyền khác liên quan đến các nhãn hiệu nêu trên cho Bên nhận chuyển nhượng.
  2. Bên nhận chuyển nhượng cam kết đồng ý tiếp nhận toàn bộ các quyền trên từ Bên chuyển nhượng. 

ĐIỀU 3: PHÍ CHUYỂN NHƯỢNG

Bên chuyển nhượng đồng ý cấp cho Bên nhận chuyển nhượng quyền sở hữu các nhãn hiệu

nêu trên mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào (miễn phí). 

(hoặc là khoản phí cụ thể là ……………………………………………………)

Phương thức thanh toán:

Địa điểm thanh toán:

Thời hạn thanh toán:

ĐIỀU 4: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

  1. Quyền và nghĩa vụ của Bên chuyển nhượng:
  1. Cam kết mình là chủ hợp pháp các nhãn hiệu chuyển nhượng và các nhãn hiệu này vẫn đang trong thời hạn hiệu lực;
  2. Thực hiện các biện pháp và xét thấy là cần thiết để chống lại các hành vi xâm phạm của bên thứ ba gây thiệt hại cho Bên nhận chuyển nhượng khi thực hiện hợp đồng này;
  3. Nộp các khoản thuế liên quan (nếu có) theo pháp luật;
  4. Thực hiện các cam kết bổ sung khác để đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này.
  1. Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận chuyển nhượng:
  1. Tiếp nhận các quyền nêu trên liên quan đến các nhãn hiệu chuyển giao để trở thành chủ hợp pháp của các nhãn hiệu chuyển giao; 
  2. Nộp các khoản thuế liên quan (nếu có) theo pháp luật; 
  3. Thực hiện các cam kết bổ sung khác để đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này.

ĐIỀU 5: ĐIỀU KHOẢN SỬA ĐỔI, HUỶ BỎ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG

  1. Mọi sửa đổi, bổ sung của hợp đồng phải được lập thành văn bản và phải được người đại diện có thẩm quyền của hai bên ký kết và được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
  2. Hợp đồng này có thể bị chấm dứt trong các trường hơp sau:
  1. Các Văn bằng bảo hộ chuyển nhượng bị chấm dứt hiệu lực bởi bất kỳ lý do gì.
  2. Trường hợp bất khả kháng như thiên tai, khủng bố, chiến tranh.

ĐIỀU 6: HIỆU LỰC HỢP ĐỒNG

Hợp đồng này có thời hạn từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận……………………………

ĐIỀU 7: LUẬT ÁP DỤNG VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Hợp đồng này được điều chỉnh, giải thích và áp dụng theo luật Việt Nam. Nếu có bất đồng giữa hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này thì được hai bên giải quyết thông qua hoà giải thương lượng. Nếu việc hòa giải nói trên không thực hiện được thì hai bên có thể yêu cầu Tòa án các cấp xét xử. (hoặc trọng tài thương mại)

ĐIỀU 8: THẨM QUYỀN KÝ KẾT

  1. Với sự chứng kiến của mình các bên cùng thống nhất các nội dung trên và đã ký kết hợp đồng này bởi người đại diện hợp pháp của mình.
  2. Hợp đồng này được lập thành ….. (bản), mỗi bên giữ….. (bản), còn …. (bản) được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Các bản hợp đồng có hiệu lực như nhau.

         

BÊN CHUYỂN NHƯỢNG

(Ký và ghi rõ họ tên)

BÊN NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG

(Ký và ghi rõ họ tên)

Chi phí và thời gian chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

Chi phí chuyển nhượng

Căn cứ theo Biểu mức thu phí, lệ sở hữu công nghiệp tại Thông tư 263/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC thì chi phí mua bán nhãn hiệu bao gồm:

Chi phí và thời gian chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Chi phí và thời gian chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
  • Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 230.000 đồng/VBBH
  • Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 180.000 đồng/VBBH
  • Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền SHCN: 120.000 đồng/VBBH
  • Phí thẩm định quyền nộp đơn và quy chế sử dụng NH (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận): 550.000 đồng/đơn
  • Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu): 120.000 đồng/VBBH

Thời gian xử lý hồ sơ

02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).

Kết luận

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu để bản đọc tham khảo. Qua đó giúp bạn hiểu rõ điều kiện chuyển nhượng và thủ tục chuyển hợp cũng như các vấn đề pháp lý chuyển nhượng nhãn hiệu. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này và các vấn đề có liên quan hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật và kế toán An Khang để được hỗ trợ nhanh nhất, vui lòng liên hệ đến hotline 0936.149.833 để hoặc truy cập vào website để nhận tư vấn hỗ trợ từ chúng tôi. Trân trọng!

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *