Kỳ Án Kinh Tế

Hai bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang: Ai chịu trách nhiệm?

Hai bệnh viện nghìn tỷ nằm chình ình bên Quốc lộ 1 – từng được kỳ vọng chia lửa với Bạch Mai, Việt Đức – nay lại phủ bụi, xuống cấp, bỏ hoang suốt nhiều năm. Từng xuất hiện trong Táo Quân 2025 như một biểu tượng cho sự lãng phí, hai công trình hiện đại lẽ ra phải cứu người, lại trở thành “sân chơi” châm biếm.

Trong khi người dân vẫn chen chúc ngoài hành lang bệnh viện cũ, thì hàng nghìn tỷ ngân sách lại bị phơi mưa nắng. Ngày 3/1/2025, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, hé lộ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm.

Ai đã rút ruột công trình? Khi nào bệnh viện mới thực sự đi vào hoạt động? Cùng Luật An Khang khám phá toàn bộ sự thật trong bài viết series “Kỳ án kinh tế chấn động Quốc gia”.

Hàng loạt sai phạm trong dự án y tế

Theo Kết luận thanh tra số 528 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, hàng loạt sai phạm có tính chất hệ thống đã bị phát hiện, diễn ra xuyên suốt từ khâu lập chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà thầu đến việc triển khai thực hiện hợp đồng.

Đặc biệt, nhiều hành vi vi phạm được xác định có yếu tố cố ý, điển hình là việc thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công hay cả dự toán – điều tối kỵ trong các dự án đầu tư công. Thậm chí, có trường hợp hợp đồng vừa ký chưa đầy 8 ngày đã phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, cho thấy sự thiếu chuẩn bị và vi phạm quy trình nghiêm trọng.

Một trong những ví dụ điển hình là gói thầu thiết bị y tế Bạch Mai 01, nơi phát hiện nhiều sai khác giữa hồ sơ mời thầu và hợp đồng ký kết, thậm chí có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng phát hiện 4 gói thầu tư vấn có dấu hiệu sai phạm khi chưa đánh giá đầy đủ khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước nhưng đã vội vàng lựa chọn tư vấn nước ngoài. Đáng lo ngại hơn, các đơn vị này còn sử dụng chính đề xuất tài chính của nhà thầu để thực hiện thẩm tra – một hành vi bị xem là trái luật nghiêm trọng.

Tổng giá trị lãng phí trong các dự án bị thanh tra được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với mức thiệt hại tài chính tạm tính. Trước mức độ vi phạm nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật về hình sự.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường nhận định: “Hình ảnh bệnh viện hàng chục nghìn tỷ đồng nằm phơi sương là một lời cảnh tỉnh đau xót đối với toàn bộ hệ thống chính trị”.

Bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang gây xót xa

Nếu bạn từng di chuyển qua tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Phủ Lý (Hà Nam), hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh hai công trình đồ sộ, nguy nga chẳng khác gì khách sạn 5 sao – nhưng lại chìm trong im lặng như những “bệnh viện ma” giữa lòng thành phố.

Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Phủ Lý (Hà Nam)

Không có tiếng còi xe cấp cứu, không bóng dáng áo blouse trắng, chỉ còn lại cỏ dại mọc um tùm, tường rêu phong bong tróc, những mảnh kính vỡ nằm ngổn ngang và vài chú gà thảnh thơi kiếm ăn trong khuôn viên trị giá gần 10.000 tỷ đồng.

Đây chính là cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức – hai công trình từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của ngành y tế phía Bắc, góp phần giải tỏa áp lực quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng ban đầu, thực tế lại là một bức tranh u ám: Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 dù đã khánh thành từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân nào; trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi ngưng trệ hoàn toàn, rơi vào trạng thái “đắp chiếu”.

Bệnh viện Việt Đức 2

Đáng nói hơn, nhiều người dân địa phương từng hiến đất xây dựng bệnh viện với niềm tin mãnh liệt rằng, khi bệnh viện hoàn thành, cuộc sống của họ sẽ bớt khổ, sẽ được khám chữa bệnh ngay tại quê nhà. Thế nhưng, sau gần 10 năm chờ đợi, thứ họ nhận lại chỉ là sự im lặng và nỗi thất vọng.

Mỗi lần đi ngang qua công trình, họ không khỏi chạnh lòng – như đi qua một giấc mộng dang dở, một câu hỏi đau đáu vẫn chưa lời đáp: Tiền thuế của dân đã đi đâu? Và bao giờ người dân mới được chữa bệnh trên chính mảnh đất của mình?

Người dân tiếc nuối bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang

Mỗi buổi sáng, bà Nguyễn Thị Liên (61 tuổi, trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) lại lặng lẽ đạp xe ngang qua khuôn viên bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang, lòng đầy trăn trở và buồn bã.

“Ngày trước, gia đình tôi đã giao 4 sào đất với hy vọng sẽ có một bệnh viện hiện đại, giúp người dân chữa bệnh ngay tại địa phương, không còn phải đi xa nữa. Vậy mà mười năm đã trôi qua, nơi đây vẫn chỉ là một hàng rào cũ kỹ bao quanh cỏ dại mọc um tùm,” – bà thở dài chia sẻ.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh vẫn chưa biết ngày mở cửa

Không chỉ riêng bà Liên, hàng trăm hộ dân khác trong khu vực cũng đã hiến đất với niềm tin mãnh liệt rằng con cháu mình sẽ được khám chữa bệnh gần nhà, tránh cảnh phải vất vả di chuyển lên Hà Nội, xếp hàng mòn mỏi giữa trời nắng mưa. Thế nhưng, thay vì một cơ sở y tế hiện đại và sôi động, điều họ nhận lại chỉ là những tòa nhà lạnh lẽo, hàng rào hoen gỉ và tiếng chim kêu giữa các phòng mổ chưa một lần được sử dụng.

Chị Nguyễn Thị La (36 tuổi), một người dân từng hiến 100m² đất, bày tỏ nỗi thất vọng: “Tôi buộc phải đi bệnh viện tư để chữa trị. Còn nếu muốn vào Bạch Mai hay Việt Đức thì phải bắt xe khách từ sớm, có khi 5 giờ sáng đã xếp hàng nhưng vẫn chưa đến lượt khám. Nhìn bệnh viện xây dở dang trên đất nhà mình mà xót xa.”

Người bệnh từ Lai Châu, Nghệ An… đổ về Bệnh viện Bạch Mai.

Sự mong đợi năm nào giờ đây đã nhường chỗ cho nỗi thất vọng sâu sắc. Không ít người lớn tuổi trong vùng cay đắng ví von: “Đó là bệnh viện để ngắm chứ không phải để chữa.” Câu hỏi nhức nhối nhất hiện giờ vẫn chưa có lời giải: Bao giờ bệnh viện mới hoạt động? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước niềm tin bị đánh đổi của người dân?

Có thể bạn quan tâm: Việt Á: Kit Test Trở Thành Cỗ Máy In Tiền Khổng Lồ – Ai Đứng Sau Mạng Lưới Tham Nhũng Tỷ Đô

Không né tránh, không vòng vo, phát ngôn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trở thành lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, đồng thời là thông điệp chính trị sâu sắc: “Vấn đề lãng phí là nhìn thấy được, nhưng khi người dân hỏi lại không trả lời được.”

Câu nói ấy không chỉ phản ánh sự thật đau lòng về tình trạng lãng phí ngân sách kéo dài, mà còn là lời hiệu triệu toàn hệ thống phải hành động. Hàng chục nghìn tỷ đồng – mồ hôi, nước mắt của người dân – đang bị bỏ hoang giữa cỏ dại, bụi bặm.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổng Bí thư không hỏi để biết, mà để buộc trách nhiệm. Nếu là doanh nghiệp tư nhân, vốn đã thu hồi từ lâu. Còn đây là tiền thuế của dân – tài sản quốc gia – không ai có quyền thờ ơ hay đổ lỗi lòng vòng.

Đặc biệt, ông không chỉ dừng lại ở phê phán. Ông yêu cầu phải “gỡ vướng, vướng đâu gỡ đó”; Chính phủ phải chủ động, Quốc hội phải đồng hành. Đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm” mà ông nhấn mạnh – không chỉ với hai bệnh viện, mà với cả bộ máy quản lý hiện nay.

Vì thế, vụ việc này không chỉ là một câu chuyện y tế, mà là phép thử về lòng tin, năng lực điều hành và trách nhiệm chính trị. Khi một công trình nghìn tỷ có thể “đứng hình” suốt 10 năm, thì người dân có còn vững tin vào những mục tiêu lớn khác?

Ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, thông tin tại buổi họp báo chiều 31-12 về thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam

Tổng Bí thư đã chỉ đạo rõ ràng, kiên quyết. Vấn đề còn lại là: Ai sẽ chịu trách nhiệm? Liệu có cá nhân hay tập thể nào đã buông lỏng, có dấu hiệu tiêu cực như kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra? Đây là lúc sự thật phải được làm rõ – vì công lý, vì niềm tin của Nhân dân.

Hai bệnh viện nghìn tỷ bị bỏ hoang

Hai bệnh viện nghìn tỷ – Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 – từng được kỳ vọng là “mũi đột phá” trong chiến lược giảm tải y tế tuyến trung ương. Được khởi công từ năm 2014 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai công trình có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện tuyến cuối hiện đại nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tuy nhiên, sau một thập kỷ, cả hai công trình lại rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp, gây bức xúc dư luận. Theo kết luận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Dự án Y tế trọng điểm (thuộc Bộ Y tế) – chủ đầu tư trực tiếp – đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng: thiếu hồ sơ thẩm định, chia nhỏ gói thầu để chỉ định, hợp đồng mập mờ, tiến độ giải ngân chậm, điều chỉnh thiết kế sai quy trình.

Đặc biệt, kế hoạch vốn bị cắt giảm gần 1.000 tỷ đồng do chính sách siết đầu tư công trung hạn.

Vướng mắc pháp lý, thiếu vốn, hàng loạt nhà thầu không được thanh toán đúng hạn, khiến dự án đình trệ nghiêm trọng. Chuyên gia Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhận định: năng lực quản lý dự án yếu kém, thiếu đánh giá tác động và không có tham vấn chuyên môn, dẫn đến tình trạng “xây xong nhưng không thể khai thác”.

Trao đổi với báo CAND, một chuyên gia từng tham gia dự án chia sẻ: Chậm một ngày là thêm 10-15 người dân mất cơ hội sống. Chúng tôi đã hoàn thiện phần pháp lý rất nhanh, nhưng Bộ Y tế lại xử lý quá chậm về vốn và thiết bị.

Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang Bộ Công an để điều tra làm rõ. Một số đơn vị liên quan đang nằm trong vòng nghi vấn, dù đây mới chỉ là nhận định sơ bộ và chưa phải thông tin chính thức.

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục xin Lý Lịch Tư Pháp cấp chứng chỉ hành nghê y, bác sĩ

Dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu vực xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Với vai trò là chủ đầu tư trực tiếp, Ban Quản lý Dự án Y tế trọng điểm – trực thuộc Bộ Y tế – khó có thể đứng ngoài cuộc khi Thanh tra Chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra. Theo kết luận thanh tra ngày 3/1/2025, quá trình triển khai dự án đã phát sinh hàng loạt sai phạm có tính hệ thống, từ khâu mời thầu, giám sát cho đến thanh quyết toán.

Cụ thể, Ban Quản lý bị phát hiện cố ý chia nhỏ các gói thầu tư vấn nhằm hợp thức hóa việc chỉ định thầu, hành vi trái với quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu thiếu minh bạch, đưa ra các tiêu chí bất hợp lý, làm sai lệch tính cạnh tranh và gây nghi ngờ về sự dàn xếp.

Đáng chú ý, đơn vị này cũng không lập báo cáo giám sát định kỳ, vi phạm nghiêm trọng quy trình kiểm soát đầu tư công. Những dấu hiệu nêu trên là cơ sở để cơ quan chức năng điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, thậm chí có dấu hiệu cấu kết trục lợi trong đấu thầu và sử dụng ngân sách.

Dấu hiệu thao túng trong dự án nghìn tỷ

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh lê lết chờ khám.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Dự án xây dựng hai bệnh viện nghìn tỷ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng và mang tính hệ thống. Ban Quản lý Dự án Y tế trọng điểm đóng vai trò điều hành tổng thể, trong khi các Thứ trưởng Bộ Y tế – tùy từng thời kỳ – là người trực tiếp phê duyệt chủ trương, ký kế hoạch đấu thầu và giám sát tiến độ thực hiện.

Tuy nhiên, vi phạm diễn ra xuyên suốt từ khâu phê duyệt, thiết kế đến thi công, cho thấy trách nhiệm không thể chối bỏ từ lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ này đã được yêu cầu kiểm điểm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ vậy, các đơn vị tư vấn, thiết kế và nhà thầu thi công cũng bị phát hiện có dấu hiệu thông đồng với bên mời thầu. Hồ sơ dự thầu được thiết kế thiếu minh bạch, áp dụng tỷ lệ dự phòng 5% không rõ căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu. Câu hỏi đặt ra: có hay không một “liên minh lợi ích” nhằm thao túng dự án, rút ruột ngân sách Nhà nước?

Sai lầm đầu tư khiến bệnh viện nghìn tỷ “đắp chiếu”

Dưới góc nhìn của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nguyên nhân khiến hai cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam “nằm bất động” suốt hơn một thập kỷ không chỉ đơn thuần là xây rồi bỏ đó. Đây là hệ quả của một chuỗi sai lầm nghiêm trọng: từ lựa chọn mô hình đầu tư chưa phù hợp, năng lực yếu kém của các đơn vị thực hiện, đến các vướng mắc pháp lý chưa từng có tiền lệ.

Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Cụ thể, lần đầu tiên trong ngành y tế, hai dự án áp dụng mô hình hợp đồng EPC (chìa khoá trao tay) – bao gồm cả thiết kế, thi công và lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm – đơn vị chủ đầu tư – lại thiếu kinh nghiệm thực tế.

Khi thiết kế bị điều chỉnh, các hạng mục công năng, khoa phòng được bổ sung nhưng giá trị hợp đồng không được cập nhật tương ứng, dẫn đến việc không thể thanh toán khối lượng đã thi công. Từ cuối năm 2020, nhà thầu buộc phải dừng toàn bộ công trình.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm đã khiến Bộ Y tế phải tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, khiến tiến độ xử lý các vướng mắc càng thêm đình trệ. Đến năm 2022 – đầu 2024, nhiều khối nhà trong hai bệnh viện bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, phủ kín rêu phong, cỏ dại mọc đầy – biến công trình thành “bệnh viện ma”.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: bài học đắt giá là không thể quản lý đầu tư công trong y tế chỉ bằng ngân sách. Muốn hiệu quả, cần có tư duy quản lý đổi mới, năng lực triển khai đồng bộ và trách nhiệm đến cùng từ các bên liên quan.

Gỡ vướng pháp lý cho hai bệnh viện nghìn tỷ

Trước thực trạng hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 bị “treo” gần một thập kỷ sau khi khởi công, Chính phủ đã triển khai hàng loạt biện pháp pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ và sớm đưa công trình vào hoạt động. Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội, Bộ Y tế cho biết đã chủ động tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù để bổ sung kinh phí, thu hút nhân lực và hoàn thiện đầu tư cho hai dự án trọng điểm này.

Ngày 13/2/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 34/NQ-CP, tạo hành lang pháp lý riêng biệt với các cơ chế tài chính, nhân sự và kỹ thuật đặc thù nhằm xử lý triệt để các vướng mắc kéo dài. Nghị quyết cũng yêu cầu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan để bảo đảm hoàn thành hai bệnh viện trong năm 2025.

Từ năm 2023, Tổ công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng đã được thành lập, bao gồm đại diện các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp… Tổ công tác này có nhiệm vụ rà soát toàn diện các điểm nghẽn về pháp lý, tài chính, thiết kế, đấu thầu và hợp đồng.

Hai bệnh viện hoang vu không một bóng người.

Bộ Y tế hiện đang tích cực chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công từ tháng 11/2024. Các thủ tục điều chỉnh hợp đồng, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị y tế cũng đang được triển khai khẩn trương.

Đặc biệt, Nghị quyết 34 còn nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế thu hút nhân lực y tế chất lượng cao và tài chính linh hoạt, nhằm bảo đảm hai bệnh viện khi đưa vào hoạt động không chỉ hiện đại mà còn vận hành hiệu quả, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương và hạn chế tình trạng người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Hành lang pháp lý này không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý tận gốc các điểm nghẽn trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và khôi phục niềm tin của nhân dân.

Giải pháp vận hành cơ sở 2 bệnh viện tuyến trung ương

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực và hỗ trợ vận hành hai cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt giải pháp tổng thể, đồng bộ cả về nguồn lực con người lẫn tài chính.

Bộ trưởng Bộ Y tế – bà Đào Hồng Lan – cho biết, Bộ đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng đề án vị trí việc làm, lập kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân sự phù hợp theo từng giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai có lợi thế lớn nhờ sở hữu Trường Cao đẳng Y tế trực thuộc, thuận lợi cho công tác đào tạo nhân lực tại chỗ.

Không chỉ chú trọng đào tạo trong nước, Bộ Y tế còn lên kế hoạch cử bác sĩ học tập luân phiên tại nước ngoài nhằm chuẩn hóa trình độ chuyên môn, đưa hai cơ sở mới tiệm cận tiêu chuẩn khu vực. Đáng chú ý, Bộ đang nghiên cứu bổ sung ngân sách đào tạo cho giai đoạn đầu vận hành, tránh tình trạng “có cơ sở mà thiếu nhân lực”.

Về tài chính, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù, điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với quy hoạch ban đầu. Chính phủ hiện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2025, đồng thời ưu tiên hỗ trợ kinh phí trong hai năm đầu để bảo đảm hai bệnh viện hoạt động ổn định, có khả năng thu hút đội ngũ bác sĩ và chuyên gia đầu ngành.

Lãng phí vô hình và cái giá không đo đếm

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường

Những con số thiệt hại tiền bạc trong các dự án y tế chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều đáng lo ngại hơn – theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường – là những tổn thất vô hình: lòng tin, kỳ vọng và cơ hội của hàng triệu người dân đã bị đánh cắp.

Lãng phí không chỉ là mất tiền. Đó là đánh mất cơ hội cứu sống hàng nghìn bệnh nhân do thiếu giường bệnh, làm xói mòn niềm tin vào hệ thống y tế, và khiến xã hội ngần ngại góp sức khi mọi thứ đều trì trệ. Ít ai hình dung rằng, mỗi ngày dự án bị chậm là thêm một ngày người bệnh phải chen chúc ba người một giường ở tuyến trung ương.

Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ: lãng phí là “giá trị bị mất đi không thể lấy lại”. Nếu không thay đổi cách làm, nó sẽ trở thành rào cản lớn nhất trong kỷ nguyên phát triển. Đã đến lúc nhìn thẳng, sửa sai và hành động – trước khi lòng dân không còn giữ được nữa.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ

Sau một thập kỷ nằm im, hai bệnh viện nghìn tỷ không còn là câu chuyện nội bộ của ngành y tế, mà đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm công, cách quản lý tài sản quốc gia và quan trọng nhất là sự tín nhiệm của người dân đối với bộ máy Nhà nước.

Từ chỉ đạo cứng rắn của Tổng Bí thư Tô Lâm – yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm – đến hành động khẩn trương của Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế, tổ công tác liên ngành và các cơ quan lập pháp, tư pháp… tất cả cho thấy: lần này, cả hệ thống chính trị đang thực sự vào cuộc.

Không còn những “kế hoạch treo”, không còn “cơ chế đang chờ”, Nghị quyết 34/NQ-CP đã được ban hành. Các gói thầu được thúc đẩy, tổ công tác trực tiếp tháo gỡ từng nút thắt – từ pháp lý, vốn, cơ chế tài chính đến nguồn nhân lực. Tư duy điều hành đã thay đổi rõ rệt: hiệu quả thực tế là trung tâm, người dân là thước đo cuối cùng.

Khơi lại niềm tin từ hai bệnh viện bỏ hoang

Trong ánh mắt của người dân như bà Nguyễn Thị Liên hay chị Nguyễn Thị La – những người từng đặt trọn niềm tin vào hai bệnh viện nghìn tỷ – là cả một sự chờ đợi âm thầm, mong mỏi ngày cánh cổng mở ra không phải để nuôi gà, mà để cứu người. Niềm tin ấy đã từng bị đánh mất sau nhiều năm công trình bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị hiện nay là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy hy vọng đang trở lại.

Nếu được hoàn thiện đúng tiến độ vào cuối năm 2025, hai bệnh viện không chỉ là cơ sở y tế hiện đại, mà còn là biểu tượng của một tinh thần đổi mới – dám nhìn thẳng vào sai lầm, quyết tâm khắc phục, và hành động đến cùng.

Khi đó, người dân Hà Nam và cả khu vực miền Bắc sẽ không còn phải vượt hàng trăm cây số để chen chúc tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Bệnh nhân nghèo sẽ có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương. Và hơn hết, chính quyền sẽ cho thấy: trì trệ hoàn toàn có thể bị đẩy lùi khi có ý chí thay đổi thực sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Câu chuyện của Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 không chỉ là vấn đề quản lý đầu tư công, mà còn là dấu mốc cho tương lai – để thế hệ sau hiểu rằng: niềm tin và công lý không phải là vai diễn trong tiểu phẩm hài, mà là kết quả của hành động, của lòng tin từ nhân dân, và của sự gương mẫu từ người lãnh đạo.

Chúng tôi – những người viết bài này – tin tưởng rằng bộ máy lãnh đạo hiện tại đang tiếp nối xứng đáng di sản vĩ đại của các thế hệ đi trước, đặt lợi ích nhân dân làm kim chỉ nam.

Xin mượn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khép lại:
“Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính.”

Kết luận

Chúng ta vừa cùng nhau bước qua một hành trình hé lộ sự thật phía sau hai bệnh viện nghìn tỷ – nơi giấc mơ dang dở và niềm tin bị thử thách. Câu chuyện không chỉ là bản tin thời sự, mà là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm và công lý. Nếu bạn là người đang chuẩn bị khởi nghiệp, đừng để sai lầm pháp lý làm đổ vỡ mọi nỗ lực.

Luật An Khang sẽ đồng hành cùng bạn – thành lập doanh nghiệp đúng luật, nhanh chóng, trọn gói, và vận hành bền vững với hệ thống kế toán – thuế chuyên nghiệp.

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *