Công ty đấu giá hợp danh – tổng quan quy định mới 2024
Công ty đấu giá hợp danh là gì? Quy định của pháp luật 2024 về loại hình doanh nghiệp này như thế nào? Bài viết này Luật An Khang sẽ giúp bạn tìm hiểu cụ thể về điều kiện thành lập, hồ sơ, thủ tục thành lập công ty đấu giá hợp danh tại Việt Nam theo pháp luật 2024 mới nhất.
Công ty đấu giá hợp danh được hiểu thế nào?
Công ty đấu giá hợp danh là doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập theo hình thức công ty hợp danh, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (được gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn:
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Công ty đấu giá hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Điều kiện để thành lập công ty đấu giá hợp danh
Điều kiện về thông tin doanh nghiệp
– Về tên công ty: Khoản 1, Điều 23 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2023 Luật đấu giá tài sản quy định tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn, không được trùng tên với các công ty hợp danh có trước, thương hiệu nổi tiếng và phải bao gồm cụm từ “công ty đấu giá hợp danh.
– Về trụ sở của công ty:
- Trụ sở đặt tại lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng và được xác định (bao gồm số nhà, tên phố/ngõ phố, tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố, thuộc tính, tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương).
- Cần đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết, đạt tiêu chuẩn để đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản được diễn ra một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc cung cấp mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo tính an toàn, bảo mật của tài sản trong quá trình đấu giá diễn ra.
Điều kiện đăng ký hoạt động của công ty đấu giá hợp danh
Khoản 3, Điều 23 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2023 Luật đấu giá tài sản quy định:
- Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;
- Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.
Ngoài ra, đấu giá viên phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động của mình và tổ chức đấu giá có nghĩa vụ mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các đấu giá viên của mình.
Trong đó, đấu giá viên bao gồm các tiêu chuẩn sau:
- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật Đấu giá tài sản 2016 , trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật Đấu giá tài sản 2016;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Ưu, nhược điểm của loại hình công ty đấu giá hợp danh
Ưu điểm loại hình công ty đấu giá hợp danh
- Huy động vốn dễ dàng nhờ sự tham gia của các thành viên góp vốn và sự uy tín của các thành viên hợp danh.
- Được bảo vệ bởi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hạn chế tối đa rủi ro xảy ra.
- Tăng cường quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý và tính chuyên môn.
Nhược điểm loại hình công ty đấu giá hợp danh
Công ty đấu giá hợp danh có thể có các thành viên góp vốn khác ngoài thành viên hợp danh, điều này khiến việc quản lý và thống nhất ý kiến giữa các thành viên này sẽ gặp khó khăn hơn; quyết định được đưa ra không được độc lập, nhanh chóng.
Xem thêm: Ưu và nhược điểm về 5 loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam
Thủ tục thành lập công ty đấu giá hợp danh
Hồ sơ thành lập công ty đấu giá hợp danh
Hồ sơ đăng kí bao gồm những tài liệu được quy định tại khoản 1 Điều 25 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2023 Luật đấu giá tài sản gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hoạt động;
- Điều lệ của công ty đấu giá hợp danh;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh;
- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, cam kết bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.
Thủ tục thành lập công ty đấu giá hợp danh
Bước 1: Nộp hồ sơ. Quý khách hàng chuẩn bị 01 hồ sơ đầy đủ các giấy tờ như trên và nộp tại Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Bước 2: Sở Tư pháp trả lời công ty bằng văn bản
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp sẽ cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản.
- Nếu trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Lưu ý, nếu công ty bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện.
Kết luận
Trên đây là phần chia sẻ thông tin giải đáp thắc mắc về công ty đấu giá hợp danh của Luật An Khang. Quý khách hàng muốn tìm hiểu thêm quy định pháp luật về doanh nghiệp hoặc cần tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý khác, Luật An Khang luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline nhé!