Thành Lập Doanh Nghiệp

4 loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật

Trong quá trình hoạt động kinh doanh có 04 loại thuế doanh nghiệp PHẢI NỘP. Vậy bạn đã biết đó là những khoản thuế nào chưa? Nếu chưa thì bài viết này, Luật An Khang sẽ tổng hợp 4 loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật.

Lệ phí môn bài

Khái niệm

Lệ phí môn bài là lệ phí mà hộ kinh doanh và các tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ phải đóng hàng năm. Mức thuế môn bài phải đóng dựa trên vốn điều lệ để trình cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Tuy nhiên có một vài trường hợp được miễn thuế môn bài còn lại tất cả các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp đều phải nộp.
4 loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật
4 loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định pháp luật

Đối tượng nộp thuế

Trừ những trường hợp được miễn lệ phí môn bài theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì các tổ chức kinh doanh đang hoạt động đều phải nộp lệ phí môn bài.

Mức thuế phải đóng

Mức thuế môn bài phụ thuộc vào vốn điều lệ của từng doanh nghiệp. Cách tính thuế môn bài theo quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 trong Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 trong Thông tư 302/2016/TT-BTC
ĐỐI TƯỢNG
MỨC PHÍ
Doanh nghiệp/tổ chức kinh doanh, sản xuất có vốn điều lệ/vốn đầu tư trên 10 tỷ
3.000.000 đồng/năm
Doanh nghiệp/tổ chức kinh doanh, sản xuất có vốn điều lệ/vốn đầu tư dưới 10 tỷ
2.000.000 đồng/năm
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác
1.000.000 đồng/năm
Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu/năm
1.000.000 đồng/năm
Hộ kinh doanh có doanh thu từ 300 – 500 triệu/năm
500.000 đồng/năm
Hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 – 300 triệu/năm
300.000 đồng/năm

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT)

Khái niệm

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu tính trên giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất đến tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Đây là một trong những loại thuế quan trọng giúp cân bằng ngân sách nhà nước và có vai trò quan trọng trong sự phát triển và xây dựng đất nước.

Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi qua các năm 2013, 2014, 2016) như sau: Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Mức thuế suất thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng = Giá tính thuế GTGT x Thuế suất VAT

Các mức thuế suất thuế GTGT năm 2024 tại Việt Nam:

  • 0%: Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và khu phi thuế quan; vận tải quốc tế…
  • 5%: Nước sạch, quặng sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, sách giáo khoa, nhà ở xã hội…
  • 8%: Áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bất động sản, khai khoáng, sản xuất kim loại, hóa chất và các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) từ 1/1/2024 đến 30/6/2024 và từ 1/7/2024 đến 31/12/2024.
  • 10%: Hàng hóa, dịch vụ không thuộc các trường hợp trên.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN)

Khái niệm

“Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu đánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Thuế này bao gồm thu nhập từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và các nguồn thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.”

Đối tượng nộp thuế

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp, đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp/tổ chức hoạt động kinh doanh hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Các đối tượng nộp thuế bao gồm:
  • Doanh nghiệp thành lập theo luật Việt Nam.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có sản xuất kinh doanh.
  • Tổ chức thành lập theo Luật Hợp tác xã.
  • Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
  • Tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập chịu thuế

Công thức tính thuế TNDN

Quy định về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp được thể hiện trong Thông tư 78/2014/TT-BTC có sự khác biệt như sau.
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp:
Thuế TNDN phải nộp= (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN
*** Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự thuế TNDN ở ngoài Việt Nam thì doanh nghiệp được trừ số thuế TNDN đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế TNDN phải nộp trong kỳ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước theo quy định.
Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)
– Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế được xác định bằng công thức sau:
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 được quy định trong Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTCThông tư 96/2015/TT-BTC, đồng thời áp dụng mức thuế 20% cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng có thể dao động từ 32% đến 50%.

Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN)

Khái niệm

Thuế thu nhập cá nhân là số tiền mà cá nhân phải trích nộp từ một phần thu nhập, bao gồm tiền lương và các nguồn thu khác và nộp cho cơ quan thuế để đóng góp vào ngân sách nhà nước sau khi đã được khấu trừ.Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN từ tiền lương của người lao động và nộp thay cho họ.

Thu nhập chịu thuế

  1. Thu nhập từ kinh doanh:

    • Sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (kể cả cho thuê nhà, đất).
    • Hành nghề độc lập (có giấy phép hoặc chứng chỉ).
    • Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp không đủ điều kiện miễn thuế.
  2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công.

  3. Thu nhập từ đầu tư vốn:

    • Lãi vay (trừ lãi tiền gửi từ tổ chức tín dụng).
    • Cổ tức, lợi tức từ góp vốn (trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH 1TV do cá nhân làm chủ).
    • Phần tăng thêm giá trị vốn góp khi giải thể, chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập công ty hoặc rút vốn.
    • Lãi trái phiếu, tín phiếu (trừ lãi tiền gửi và trái phiếu Chính phủ).
    • Các khoản thu nhập khác từ đầu tư vốn (kể cả góp vốn bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất).
    • Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn.
  4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

    • Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp tác xã,…
    • Chuyển nhượng chứng khoán.
  5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản:

    • Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở, quyền thuê đất,…
    • Góp vốn bằng bất động sản.
    • Ủy quyền quản lý bất động sản.
  6. Thu nhập từ trúng thưởng:

    • Trúng xổ số, khuyến mại, cá cược, trò chơi, cuộc thi,…
  7. Thu nhập từ bản quyền:

    • Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
  8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

  9. Thu nhập từ nhận thừa kế:

    • Chứng khoán, phần vốn trong tổ chức kinh tế, bất động sản, tài sản khác phải đăng ký.
    • Không bao gồm thu nhập miễn thuế theo quy định.
  10. Thu nhập từ nhận quà tặng:

    • Tương tự thu nhập từ nhận thừa kế.

Công thức tính thuế TNCN

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất
Một số khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân thường bao gồm:
  • Giảm trừ gia cảnh:
+ Đối với bản thân: Mức giảm trừ là 11.000.000 đồng/người/tháng.
+ Đối với người phụ thuộc: Mức giảm trừ là 4.400.000 đồng/người/tháng.
  • Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc: Bao gồm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số ngành nghề đặc biệt
Trên đây là 4 loại thuế doanh nghiệp phải nộp cơ bản thường phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty có hoạt động sản xuất thông thường. Tuy nhiên, với mỗi doanh nghiệp sẽ có hoạt động thực tế khác nhau và các thuế này có thể phát sinh tùy thuộc vào hoạt động cụ thể của công ty:
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt
  • Thuế xuất nhập khẩu
  • Thuế bảo vệ môi trường
  • Lệ phí trước bạ
  • Thuế tài nguyên
  • Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Kết luận

Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về 04 loại thuế doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định mới 2024. Nếu bạn cần tư vấn hoặc hỗ trợ thêm, vui lòng liên hệ với Luật An Khang để được tư vấn và hỗ trợ hoàn tất thủ tục thành lập công ty hợp danh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Lê Khắc Dũng là thạc sĩ Luật Hà Nội với hơn 10+ năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Pháp lý Doanh nghiệp. Sứ mệnh của tôi và Luật An Khang là đồng hành cùng Doanh nghiệp Việt trong mọi vấn đề Pháp lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *