Thành lập chi nhánh – lựa chọn khi mở rộng kinh doanh 2024
Thành lập chi nhánh là gì? Chi nhánh có tư cách pháp nhân không? Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh công ty? Quy định về tư cách pháp lý của chi nhánh, các quyền và nghĩa vụ của chi nhánh doanh nghiệp mới nhất sẽ được Luật An Khang giải đáp trong bài viết sau đây!
Khái niệm, vai trò của chi nhánh trong hoạt động kinh doanh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế chi nhánh là để cho các doanh nghiệp muốn thành lập thêm một đơn vị phụ thuộc của mình tại một địa điểm nhất định ngoài trụ sở chính, để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp tùy theo sự ủy quyền.
Vai trò, lợi ích khi thành lập chi nhánh chính là:
- Giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh: chi nhánh giúp sự hiện diện của doanh nghiệp phổ biến hơn. Mỗi khu vực thị trường sẽ có đặc điểm khác nhau về pháp luật, văn hóa xã hội, hành vi khách hàng,…chi nhánh sẽ dễ dàng tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác mới.
- Đem lại nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp: tận dụng lợi thế của từng khu vực, bao gồm nhân lực, nguyên liệu và cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu kinh phí đầu vào, gia tăng nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Thuận tiện cho khách hàng: chi nhánh giúp cho việc sử dụng dịch vụ của chính khách hàng được tiến hành thuận tiện hơn thay vì phải đến tận trụ sở công ty.
- Mức độ kiểm soát cao: chi nhánh là đơn vị hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, có nghĩa là toàn bộ hoạt động của chi nhánh sẽ được doanh nghiệp giám sát hoàn toàn và do doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
- Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh: Nếu một thị trường bị tác động bởi yếu tố ngoại vi như thay đổi chính sách hoặc khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp có thể đóng cửa chi nhánh ở khu vực đó mà không làm ảnh hưởng các chi nhánh ở khu vực khác.
Đặc điểm của chi nhánh
– Phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ: là một đơn vị phụ thuộc trụ sở chính, chi nhánh được thành lập hợp pháp và có con dấu và tài khoản riêng nhưng chưa độc lập hoàn toàn về tài sản.
– Chi nhánh không có tư cách pháp nhân: chi nhánh nhân danh trụ sở chính thực hiện các quan hệ pháp luật chứ không nhân danh bản thân chi nhánh đó.
– Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Chi nhánh có thể đăng ký số lượng ngành nghề ít hơn hoặc bằng với số lượng ngành nghề kinh doanh của công ty. Nhưng tuyệt đối phải đúng với những ngành nghề kinh doanh mà công ty đã đăng ký. Chi nhánh không được đăng ký những ngành nghề mà công ty chưa đăng ký.
– Chức năng hoạt động và hoạt động của Chi nhánh giống như một công ty thu nhỏ có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp.
– Chịu sự quản lý, giám sát của công ty mẹ
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh
Quyền của chi nhánh
Chi nhánh doanh nghiệp hoạt động theo nhiệm vụ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp khi được ủy quyền.
Trên cơ sở Luật doanh nghiệp 2020 quy định chi nhánh doanh nghiệp có các quyền sau:
- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh.
- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập chi nhánh và theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.
- Đại diện cho công ty mẹ theo ủy quyền; ký kết hợp đồng, giao dịch trong phạm vi được ủy quyền.
- Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có con dấu mang tên chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam và Sử dụng con dấu riêng của chi nhánh.
- Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của chi nhánh
- Tuân thủ pháp luật và các quy định của công ty mẹ
- Báo cáo định kỳ về hoạt động kinh doanh cho công ty mẹ
- Chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trước pháp luật và công ty mẹ
- Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thành lập và đăng ký chi nhánh
Điều kiện thành lập
Căn cứ theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp/công ty có quyền thành lập chi nhánh cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với công ty mẹ (trụ sở chính). Để thành lập chi nhánh, công ty cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
- Công ty thành lập chi nhánh phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Tên chi nhánh được lập từ các chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu (xem thêm tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP);
- Tên chi nhánh phải bao gồm “tên công ty” cộng với cụm từ “chi nhánh”;
- Địa chỉ chi nhánh không được đặt tại chung cư, nhà tập thể;
- Chi nhánh chỉ được phép đăng ký kinh doanh những ngành nghề mà công ty mẹ đã đăng ký trước đó.
Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ khi thành lập chi nhánh khác tỉnh/thành phố với công ty mẹ:
- Thông báo thành lập chi nhánh khác tỉnh với công ty mẹ;
- Biên bản họp về việc thành lập chi nhánh khác tỉnh (đối với công ty TNHH 2 TV, cổ phần);
- Bản sao quyết định thành lập chi nhánh khác tỉnh của chủ sở hữu công ty/hội đồng thành viên/hội đồng quản trị;
- Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu người đứng đầu chi nhánh khác tỉnh;
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (trường hợp người nộp không phải đại diện pháp luật công ty).
Hồ sơ khi thành lập chi nhánh cùng tỉnh/thành phố với công ty mẹ:
- Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh cùng tỉnh với công ty mẹ;
- Biên bản họp của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị về việc lập chi nhánh cùng tỉnh;
- Bản sao quyết định thành lập chi nhánh cùng tỉnh của chủ sở hữu công ty/hội đồng thành viên/hội đồng quản trị;
- Bản sao giấy tờ pháp lý (CCCD/hộ chiếu) người đứng đầu chi nhánh cùng tỉnh;
- Giấy ủy quyền khi người nộp hồ sơ không phải là đại diện pháp luật công ty.
Quy trình đăng ký
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ theo 2 cách:
- Trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố
- Thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp nơi công ty đặt chi nhánh.
Bước 4: Trong 03 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh trả kết quả giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp:
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh nếu hồ sơ hợp lệ
- Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ chưa hợp lệ
Các hoạt động cần thực hiện sau khi thành lập chi nhánh
- Chi nhánh vừa thành lập cần công bố thông tin lên cổng thông tin quốc gia.
- Đăng ký và công bố dấu mộc của chi nhánh.
- Tiến hành việc kê khai thuế và đóng các loại thuế theo quy định.
- Bảng hiệu của chi nhánh cần được làm và treo tại trụ sở của chi nhánh.
- Chi nhánh tạo tài khoản ngân hàng và đăng ký chữ ký số cho mình. Ngoài ra, cần phát hành hóa đơn thuế VAT cho chi nhánh.
KẾT LUẬN
Trên đây là phần chia sẻ thông tin giải đáp cho câu hỏi “Chi nhánh là gì?” của Luật An Khang. Quý khách hàng muốn tìm hiểu thêm quy định pháp luật về doanh nghiệp hoặc cần tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý khác, Luật An Khang luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline nhé!