Pháp Luật Doanh Nghiệp

Sở hữu tối thiểu bao nhiêu % cổ phần để nắm quyền chi phối trong công ty

“Nên mua hoặc sở hữu một tỷ lệ cổ phần bao nhiêu để chi phối và kiểm soát được công ty cổ phần?” là câu hỏi của nhiều người khi bắt đầu góp vốn thành lập công ty, mua/bán cổ phần, sáp nhập hoặc tái cấu trúc công ty để có thể chi phối hoặc kiểm soát công ty cổ phần. Luật An Khang sẽ giúp quý khách tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Quyền chi phối trong công ty cổ phần
Quyền chi phối trong công ty cổ phần

Khái niệm quyền chi phối trong công ty cổ phần

Tính chất đặc trưng của công ty cổ phần là vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ phần sẽ thuộc sở hữu của cổ đông – là những cá nhân, tổ chức góp vốn vào công ty.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần có vai trò rất quan trọng. Tỷ lệ phần trăm cổ phần sẽ quyết định đến các quyền lợi và tiếng nói của cổ đông trong công ty cổ phần.

Sự phân chia quyền lực trong công ty cổ phần trước hết phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, nhằm đảm bảo một cơ cấu tổ chức quản lý chặt chẽ, bảo vệ đến mức tối đa quyền lợi của các cổ đông.

Trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông tỷ lệ sở hữu cổ phần được quy đổi ra tỷ lệ biểu quyết, hai giá trị này là tương đương nhau. Quyền lực của mỗi cổ đông được thể hiện bằng quyền biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần đã mua của mỗi cổ đông trên tổng vốn điều lệ của công ty. Do vậy, quyền sinh và quyền sát của mỗi cổ đông/nhóm cổ đông để chi phối được công ty cổ phần là phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ theo các mức nêu trên.

Quyền kiểm soát công ty không được định nghĩa cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020. Có thể hiểu, quyền kiểm soát công ty được thể hiện qua các quyền của cổ đông trong công ty. Theo đó, cổ có tỷ lệ sở hữu cổ phần càng cao thì quyền kiểm soát công ty càng lớn.

 >> Xem thêm: Thủ Tục – Hồ Sơ- Điều Kiện Thành Lập Công Ty Cổ Phần

Các mốc sở hữu cổ phần quan trọng

Các mốc sở hữu cổ phần quan trọng
Các mốc sở hữu cổ phần quan trọng

05%: theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ sẽ có quyền triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường nhưng chỉ trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.

10%: Khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Tuy nhiên, đây chỉ là quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát, việc quyết định thành phần của các cơ quan này thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ trên cơ sở thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ.

35%: cổ đông/nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ đạt 35% vốn điều lệ trở lên, thì cổ đông/nhóm cổ đông đó có quyền phủ quyết (tức không thông qua) những vấn đề/nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như phủ quyết các vấn đề gồm: Thay đổi ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức, không thông qua dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản của Công ty, phủ quyết tổ chức lại, giải thể công ty và loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại..

50%: Theo khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Các nghị quyết ĐHĐCĐ được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, cổ đông sở hữu trên 50% có quyền thông qua gần như tất cả các nghị quyết của ĐHĐCĐ. Quyền này rất quan trọng đối với cổ đông, bởi vì căn cứ Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, ĐHĐCĐ là cơ quan quyết định cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của công ty thông qua nghị quyết như:

  • Thông qua định hướng phát triển của công ty;
  • Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

65%: Quyền chi phối tuyệt đối. Cụ thể, Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành

  • Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
  • Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
  • Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
  • Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
  • Tổ chức lại, giải thể công ty;
  • Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

>> Xem thêm: Kinh nghiệm thành lập công ty cổ phần mới nhất 2024

Tỷ lệ % cổ phần cần sở hữu để nắm quyền chi phối công ty cổ phần

Tỷ lệ % cổ phần cần sở hữu để nắm quyền chi phối công ty cổ phần
Tỷ lệ % cổ phần cần sở hữu để nắm quyền chi phối công ty cổ phần

Như đã phân tích ở trên, rõ ràng về mặt con số và tỷ lệ sở hữu cổ phần thì sở hữu càng nhiều thì càng thuận lợi, nhưng có 02 mức tỷ lệ mà các cổ đông/nhóm cổ đông phải nên cân nhắc để sở hữu là ở mức từ 65% trở lên hoặc ở mức trên 50% vốn điều lệ nếu không đạt được mức 65% để có thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Vậy nếu cũng không đạt được mức trên 50% cổ phần, thì đạt được mức nào là tốt? Câu trả lời là nên sở hữu để đạt ở mức từ 35% vốn điều lệ trở lên (tức 35,1% trở lên) để sở hữu quyền phủ quyết (tức không thông qua) những vấn đề/nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020. Bởi, nếu ĐHĐCĐ muốn thông qua các vấn đề này, thì không còn cách nào khác là các cổ đông/nhóm cổ đông trong công ty phải thương lượng và thỏa thuận để giải quyết với nhau.

Rủi ro và tranh chấp liên quan đến sở hữu cổ phần chi phối

Rủi ro và tranh chấp liên quan đến sở hữu cổ phần chi phối
Rủi ro và tranh chấp liên quan đến sở hữu cổ phần chi phối

Tranh chấp giữa các cổ đông

Tranh chấp giữa các cổ đông là những mâu thuẫn, xung đột về quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các cổ đông, đội ngũ quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh trong CTCP. Các nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối (như HĐQT) thường muốn “người của mình” làm giám đốc; hoặc cổ đông lớn là chủ tịch và đồng thời muốn làm giám đốc điều hành nhằm mục đích không loại họ ra khỏi HĐQT, không bãi miễn khỏi chức danh chủ tịch HĐQT, hoặc tranh chấp phát sinh từ các quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). 

Rủi ro pháp lý liên quan đến việc thâu tóm, sở hữu chéo

Đó là khi một người tham gia sở hữu tại hai tổ chức tín dụng hoặc đồng thời sở hữu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, dẫn đến việc có thể bắt tay, thông đồng, luân chuyển vốn trái pháp luật.

Luật pháp quy định không cho phép những người như Chủ tịch của hội đồng thành viên hoặc thành viên của hội đồng thành viên, những người giữ cổ phần lớn của tổ chức này lại đồng thời sở hữu một tổ chức khác.

Nhưng trên thực tế, người ta có rất nhiều cách để lách luật như: nhờ người đứng tên sở hữu hộ hoặc thậm chí các thành viên có quen biết trong gia đình thành lập các công ty mẹ – công ty con; thậm chí là thuê người không quen biết gì để đứng danh là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc công ty còn toàn bộ quá trình điều hành, vận động là do một người thực hiện.

KẾT LUẬN

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu muốn nắm quyền chi phối trong công ty thông qua việc sở hữu cần có ít nhất từ 35% tỉ lệ cổ phần. Trên đây là nội dung là công ty Luật An Khang muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ qua Hotline để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!

 

5/5 - (100 votes)

Lê Khắc Dũng

Thạc sĩ Luật Lê Khắc Dũng, chuyên gia pháp lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, sở hữu kiến thức chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu và thuế. Cùng Luật An Khang, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý doanh nghiệp toàn diện, giúp Doanh nghiệp Việt vượt qua mọi thử thách pháp lý về thành lập doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *