Cổ phiếu: Tài sản hay hàng hóa?
Cổ phiếu là một trong những công cụ tài chính được sử dụng để đầu tư và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu có phải là hàng hóa không? Luật An Khang sẽ giúp quý khách hàng giải đáp trong bài viết dưới đây!
Cổ phiếu là gì?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019: Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Chứng khoán là chứng từ có giá trị dài hạn và bút toán ghi sổ xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành. Chứng khoán cũng được xem là loại hàng hóa được trao đổi, buôn bán, lưu thông trên thị trường chứng khoán.
Nội dung của cổ phiếu chủ yếu bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty; số lượng cổ phần và loại cổ phần; mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu; họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối cổ đông là cá nhân/ số giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức; chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty; sổ đăng ký tại sổ đăng ký cổ động của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;….
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, khoản 1 Điều 4 Luật Giá năm 2012 và Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015: Hàng hóa gồm tất cả các loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai), bất động sản và những vật gắn liền với đất đai có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của con người.
Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
Cổ phiếu là một loại tài sản được giao dịch trên thị trường chứng khoán – nơi diễn ra các giao dịch của các loại chứng khoán được phát hành và tiến hành trao đổi gồm người mua, người bán và người trung gian nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi các loại chứng khoán, phục vụ cho nhu cầu của con người cũng như nền kinh tế.
Bản chất của thị trường chứng khoán là nơi mua bán, chuyển nhượng hàng hóa, trong đó là loại hàng hóa đặc biệt bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký… Hiện nay, thị trường chứng khoán được chia thành: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
- Thị trường sơ cấp: thị trường mà chứng khoán được phát hành lần đầu nhằm mục đích huy động nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoặc Chính phủ từ các nhà đầu tư, giá cả trên thị trường này không bị dao động theo quy luật cung – cầu.
- Thị trường thứ cấp: nơi mua bán chứng khoán đã được phát hành giữa các nhà đầu tư, không có sự can thiệp của Chính phủ hay công ty và giá cả trên thị trường thứ cấp bị biến động theo quy luật cung – cầu.
Hàng hóa được giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt và vô cùng đa dạng bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh;….
Đặc điểm của cổ phiếu so với hàng hóa thông thường
Đặc điểm của cổ phiếu:
- Tính thanh khoản (Tính lỏng): Cổ phiếu có tính lỏng cao hơn so với các tài sản khác, thể hiện qua khả năng mua bán trên thị trường. Các chứng khoán khác nhau có khả năng chuyển nhượng là khác nhau. Trong đó, cổ phiếu có mức thanh khoản cao nhất.
- Tính rủi ro: Cổ phiếu là tài sản tài chính mà giá trị của nó chịu tác động lớn của rủi ro (Rủi ro thị trường, rủi ro lạm phát, rủi ro chính trị …).
- Tính sinh lợi: Cổ phiếu là một tài sản tài chính mà khi nhà đầu tư sở hữu đều mong muốn nhận được một thu nhập lớn hơn trong tương lai. Thu nhập này có được từ cổ tức được chia hoặc việc tăng giá cổ phiếu trên thị trường.
Ưu điểm: Thuận lợi cho việc giao dịch, tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Nhược điểm: Có thể dẫn đến đầu cơ, thao túng thị trường, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Quy định pháp luật về giao dịch cổ phiếu
Theo Điều 48 Luật Chứng khoán 2019 quy định về việc niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán như sau:
– Chứng khoán đã chào bán ra công chúng, cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục, chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phải được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
– Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương được niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán theo đề nghị của tổ chức phát hành hoặc tổ chức được ủy quyền phát hành theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức phát hành nộp hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch. Tổ chức tư vấn niêm yết, đăng ký giao dịch, tổ chức kiểm toán, người ký báo cáo kiểm toán và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ niêm yết đăng ký giao dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch.
– Chính phủ quy định các loại chứng khoán khác phải được niêm yết, đăng ký giao dịch; việc phân bảng niêm yết, điều kiện niêm yết chứng khoán; hồ sơ, thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; thay đổi, hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán của tổ chức phát hành Việt Nam, tổ chức phát hành nước ngoài; việc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành Việt Nam ở nước ngoài.
KẾT LUẬN
Như vậy, cổ phiếu được xem là một loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trên đây là nội dung là công ty Luật An Khang muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ qua Hotline để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!